Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UNBD TPHCM, báo cáo và xin ý kiến đại hội về những vấn đề quan trọng vẫn còn các ý kiến khác nhau, những vấn đề cần tiếp thu, bổ sung vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Lý do điều chỉnh, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TPHCM là địa phương có độ mở kinh tế lớn, do đó sự phục hồi tăng trưởng kinh tế TP sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới. Hiện nay, dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, một số quốc gia đang bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2, thứ 3. Các tổ chức thế giới đánh giá sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn kéo dài, nhanh nhất cũng hết năm 2021. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức âm và hạ mức tăng trưởng năm 2021 từ 5,4% xuống còn 5,2%. Từ đó có thể thấy tình hình kinh tế thế giới sẽ phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của TPHCM. Tại Việt Nam, đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, song dịch Covid-19 tại Việt Nam còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, chưa xác định được thời điểm tiếp cận vaccine. Dự báo kinh tế sẽ còn khó khăn trong những năm tiếp theo và Việt Nam đã hạ chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2020.
Đối với TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ từ 8,3%-8,5%. Nhưng thực tế 9 tháng đầu năm 2020, TPHCM chỉ tăng 0,77%. Dự báo, đến cuối năm 2020, TPHCM chỉ tăng trưởng 1,3%. Bên cạnh đó, cơ cấu dịch vụ chiếm 62% GRDP, là khu vực chịu ảnh hưởng lớn của Covid-19 nên sự phục hồi của khu vực này cần nhiều thời gian.
Trong khi đó, mặc dù đầu tư công trong 9 tháng đầu năm 2020 của TPHCM tăng 53% so với cùng kỳ nhưng tổng đầu tư toàn xã hội lại giảm 4,5%. Đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 thì vốn đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm 13%, còn lại phần lớn là tư nhân, từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Mà đầu tư từ tư nhân, từ FDI do tác động của dịch Covid-19, nên tổng đầu tư xã hội giảm. Đây là yếu tố bất lợi cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tiếp theo”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng cho biết thêm, TPHCM đã đề xuất tỷ lệ điều tiết ngân sách được giữ lại là 23% trong năm 2021 (hiện nay TPHCM chỉ được giữ lại 18% - PV), nhưng tình hình chung của cả nước còn khó khăn nên đề xuất này chưa được Quốc hội thông qua. Có thể đến năm 2022 đề xuất này mới được xem xét. “Vì thế, việc xem xét điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TPHCM còn khoảng 8% là khả thi”, đồng chí nhận định.
Có ý kiến ĐB cho rằng cần xem xét điều chỉnh chỉ tiêu “GRDP bình quân đầu người trên địa bàn TPHCM đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500 - 9.000 USD/người”, vì điều kiện hiện nay rất khó đạt được. Liên quan đến chỉ tiêu này, đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, chỉ tiêu này được tính toán dựa trên tốc độ dự báo tăng trưởng GRDP cả nhiệm kỳ (dự kiến là từ 8%-8,5%). Việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm còn khoảng 8% sẽ ảnh hưởng đến quy mô GRDP giai đoạn 2020-2025, tác động đến điều chỉnh chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người không chỉ trong nhiệm kỳ 2020-2025, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu cụ thể năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Trước đó, trình bày trước đại hội, đồng chí Trần Thế Thuận, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao trình bày báo cáo kết quả thảo luận về mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và 26 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2020-2025 được các đại biểu đồng tình cao. |
Tại đại hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh này.
Cụ thể, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025:
1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM (GRDP) bình quân hàng năm từ 8% - 8,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%
2. Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TPHCM.
3. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500 - 9.000 USD/người.
4. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP.
5. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45% - 50%.
6. Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP.
7. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm.
8. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.
9. Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%.
10. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM.
11. Đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân.
12. Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học.
13. Đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ (hướng tới 2030: 1,6 con/phụ nữ).
14. Tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch.
15. Tiếp tục duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%.
16. Đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%).
17. Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2.
18. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5 m2/người.
19. Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người (hướng tới 2030 không dưới 1m2/người).
20. Phấn đấu thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).
21. Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên.
22. Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hằng năm, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng so với nhiệm kỳ trước.
23. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn; giảm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 0,5%.
24. 100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương (theo Quy định số 08 ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII).
25. Kiểm tra, giám sát đối với 100% tổ chức đảng, đảng viên về việc thực hiện các thông báo, kết luận sau kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.
26. 100% các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy có chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tương đương với cải cách hành chính và chính quyền số ở TPHCM.
Trong phiên làm việc buổi sáng, đại hội cũng đã nghe đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy trình bày góp ý của Đại biểu dự Đại hội vào dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy khóa X; dự thảo Nghị quyết và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025