Tài liệu này sẽ được tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên các nhà trường để tổ chức dạy học cho học sinh lớp 5, lớp 9 của chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) hiện hành đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu vào lớp 6, lớp 10 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tài liệu hướng dẫn dạy các môn học lớp 5, lớp 9 này sẽ được trình lên Hội đồng thẩm định. Hội đồng này gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các cán bộ, giáo viên trường phổ thông đang giảng dạy môn học ở cấp học tương ứng.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, một trong nguyên nhân khiến việc thực hiện chương trình SGK lớp 1 mới vừa qua có khó khăn là vì chất lượng đầu ra của mầm non năm nay chưa đảm bảo.
“Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các em mầm non 5 tuổi chưa được làm quen mặt chữ; vào lớp 1 lại không có thời gian để quen nề nếp của cấp học mới. Từ thực tế đó càng cho thấy phải đặc biệt quan tâm chuẩn bị thật tốt chất lượng đầu ra của lớp 5, lớp 9, đáp ứng được chuẩn đầu vào của lớp 6, lớp 10 theo CTGDPT mới”, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết. Yêu cầu chuẩn đầu ra lớp 5, lớp 9 của chương trình hiện hành phải tương ứng với chuẩn đầu vào của lớp 6, lớp 10 theo chương trình mới, nên từ nội dung chương trình đến phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá lớp 5, lớp 9 phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Chất lượng đầu vào lớp 6, lớp 10 là chất lượng đầu ra của lớp 5, lớp 9. Trong khi học sinh lớp 5, lớp 9 hiện nay và tới hết năm học 2023-2024 sẽ học theo chương trình hiện hành; còn lớp 6 từ năm học 2021-2022 và lớp 10 từ năm học 2022-2023 sẽ học theo CTGDPT mới. Do đó, phải chuẩn bị tâm thế và phẩm chất, năng lực cần thiết khác để học sinh lớp 5, lớp 9 từ năm học này đến khi áp dụng chương trình mới sẽ được làm quen và đáp ứng được chuẩn đầu vào của lớp 6, lớp 10 theo CTGDPT mới.
Tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học lớp 5, lớp 9 trong CTGDPT hiện hành sẽ phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Tài liệu này được xây dựng theo hướng so sánh 2 chương trình ở từng môn học để có những điều chỉnh phù hợp. Có 3 hướng điều chỉnh là: bổ sung những nội dung kiến thức có trong CTGDPT mới nhưng không có trong CTGDPT hiện hành; tinh giản những nội dung kiến thức có trong CTGDPT hiện hành nhưng không có trong CTGDPT mới; điều chỉnh cách tiếp cận và yêu cầu cần đạt đối với những nội dung kiến thức có cả trong 2 chương trình.
Bộ GD-ĐT cho biết, những nội dung kiến thức có trong CTGDPT hiện hành nhưng không có trong CTGDPT mới sẽ được tinh giản theo 2 hướng. Thứ nhất, nếu đó là các nội dung kiến thức học sinh không cần phải sử dụng để học các nội dung kiến thức khác trong chương trình môn học thì không dạy, không thực hiện. Thứ hai, nếu đó là các nội dung kiến thức học sinh cần sử dụng để học các nội dung kiến thức liên quan trong chương trình môn học thì “hướng dẫn học sinh tự học” hoặc tích hợp vào bài học, chủ đề cần sử dụng để tổ chức cho học sinh học tập cùng với kiến thức liên quan.
Đối với các nội dung kiến thức có trong CTGDPT mới nhưng không có trong CTGDPT hiện hành thì bổ sung nội dung kiến thức mới vào chương trình môn học hiện hành theo hai hướng: bổ sung, tích hợp vào các nội dung, chủ đề phù hợp để đảm bảo yêu cầu cần đạt theo chương trình mới hoặc bổ sung nội dung, chủ đề mới vào thời điểm phù hợp, đảm bảo học sinh có đủ điều kiện về kiến thức, kỹ năng để học thuận lợi.
Đối với các nội dung kiến thức có cả trong 2 chương trình nhưng do khác nhau về cách tiếp cận và yêu cầu cần đạt thì sẽ được điều chỉnh từ mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, sang yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong CTGDPT mới. Hiện, do chưa có sách giáo khoa của các môn học và hoạt động giáo dục theo CTGDPT mới (trừ lớp 1) nên sẽ ưu tiên hướng dẫn tổ chức dạy học những nội dung kiến thức được bổ sung vào chương trình hiện hành. Học sinh được cung cấp tài liệu về những nội dung kiến thức mới để chủ động học tập theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
Song song với điều chỉnh nội dung kiến thức, sẽ đổi mới phương pháp dạy học đối với lớp 5, lớp 9 nhằm giúp học sinh được làm quen với cách dạy và học, cách kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của chương trình mới. Thời gian tới, việc bồi dưỡng phương pháp dạy học theo CTGDPT mới sẽ được Bộ GD-ĐT cùng các trường sư phạm chủ chốt, các địa phương tiếp tục triển khai.