Trong hội nghị giới thiệu công tác rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM, vừa được Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM tổ chức tuần qua, sở này cho biết khi lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010), nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng chưa hiển hiện nên chưa được nghiên cứu đưa vào đồ án quy hoạch. Việc này, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến TPHCM bị “nốc ao” (knock-out) trước tình trạng ngập nước.
Tứ bề thọ… ngập!
Anh Bùi Tiến, ngụ đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), cho biết ngập là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Trước đây nếu mưa ngập, dù lênh láng cả đường lẫn nhà, nhưng nước sẽ từ từ rút hết. Còn sau này, khi đơn vị thi công nâng đường cao hơn nền nhà (nhiều đoạn cao hơn 1,2m) thì nước “không có cửa” để rút, khiến việc đi lại, sinh hoạt của người dân rất vất vả. Những hộ dân ở khu vực này phải chống chọi với nước ngập bằng cách xây tường, bờ bao ngăn nước.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, các cơ quan chức năng đã xây dựng quy định về mức hỗ trợ cho chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đường giao thông. Sở Xây dựng cho biết, hiện có hơn 8.400 trường hợp nhà dân tại các quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức thấp hơn mặt đường, mặt hẻm do các dự án nâng đường; ước tính nguồn ngân sách hỗ trợ khoảng 305 tỷ đồng.
Cách nay 2 năm, có dịp chứng kiến khu nhà “3 chung” tại hẻm 1491 Lê Văn Lương (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) bị ngập trong triều cường mới thấy hết sự cơ cực của người dân nơi đây. Nước lên dần vào chiều tối, cho đến khi đạt đỉnh thì đường vắng hoe, bởi với mức ngập cao bằng bánh xe không xe cộ nào có thể nổ máy được. Trong khu nhà “3 chung” thì nước ngập sâu hơn, mọi người phải rút lên trên lầu và di chuyển bếp núc, kê cao giường chiếu, đồ đạc để tránh bị ướt.
Ngập do triều cường trên đưởng Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè. Ảnh: Thành Trí
Theo nhiều chuyên gia, nếu lập bản đồ ngập có nguyên nhân vì mưa và triều cường của TPHCM thì bản đồ ấy bao phủ gần hết từ ngoại thành cho đến nội thành. Quận nội thành như Bình Thạnh đã trở thành rốn ngập kinh niên; Thủ Đức, Bình Tân, kể cả quận 5 cũng bị ngập vì triều cường… Nhiều khu vực có nền đất cao như quận 12, huyện Hóc Môn, từ xưa đến nay gần như chưa bao giờ bị ngập thì nay đã có thể bị ngập tới cả ngày, sau những trận mưa lớn.
Gần 20 năm trước, khi bắt đầu lập rào chắn đường để thi công hệ thống thoát nước cho các lưu vực thuộc khu nội thành như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, các sở ngành chức năng của TPHCM đã đề nghị người dân “chia sẻ khó khăn với TP”. “Có tuyến cống thoát nước mới, mặt đường được tái lập, người dân sẽ không còn phải đối mặt với tình trạng ngập nước, kẹt xe nữa”, là lời hứa của cơ quan quản lý. Vậy mà…
Tính chưa đầy đủ, chi phí xây dựng công trình chống ngập của TPHCM trong thời gian qua đã hơn 20.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể kinh phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống thoát nước, vớt rác trên kênh rạch để tăng khả năng thoát nước.
Lạc hậu ngay khi công trình chưa… hoàn thành
Ngay khi những thước cống đầu tiên được lắp đặt vào hệ thống thoát nước của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, nhiều nhà khoa học, chuyên viên của các sở ngành chức năng TPHCM đã phát hiện: tiết diện thiết kế của cống không còn phù hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết. Trong khi hầu hết các cống được thiết kế để tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng trung bình 75mm - 92mm trong thời gian mưa 3 giờ, thì những cơn mưa có vũ lượng lớn 100mm - 150mm và thời gian mưa ngắn hơn, dồn dập hơn đã xuất hiện ngày càng nhiều ở TP.
Cá biệt, cơn mưa tối 26-9-2016 có vũ lượng tới 204mm, đã nhấn chìm gần 60 con đường của TP, với mức ngập hơn 0,5m. Từ năm 1962 đến năm 2001, trên địa bàn TPHCM chỉ xuất hiện 9 trận mưa có vũ lượng trên 100mm. Song từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện 30 trận mưa có vũ lượng trên 100mm. Tính riêng trong 5 năm 2011-2016 đã có 13 trận mưa vũ lượng trên 100mm. Sự lạc hậu của những tuyến cống là nguyên nhân chính làm cho TP tốn hơn 20.000 tỷ đồng nhưng vẫn chống ngập không hiệu quả.
Theo PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu TPHCM (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM), có đến 4 cơ quan tư vấn trong và ngoài nước cùng nghiên cứu và đưa ra tiêu chuẩn thiết kế cho hệ thống thoát nước của 3 lưu vực nêu trên. Tư vấn quốc tế gồm PCI (Nhật), CDM (Mỹ), Black and Veatch (Bỉ). Tư vấn trong nước là Phân viện Nghiên cứu thủy văn phía Nam. Các cơ quan này đã dựa vào số liệu thống kê về các cơn mưa tại TPHCM trong thời gian 40 năm trước để đưa ra các đề xuất về tiêu chuẩn thiết kế. Vấn đề, trong thời gian đó, gần như chưa có khái niệm về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Lác đác chỉ có vài ý kiến của các nhà khoa học, nhưng ngay lập tức bị rơi vào quên lãng.
Cùng với mưa, mực nước triều tại trạm Phú An trong 17 năm (1990-2007) dao động đến 1,50m. Từ năm 2008 đến nay, mực nước triều thường xuyên giữ trên mức báo động 3 (+1,50m). Từ 2011 đến 2015, mực nước duy trì ở mức cao +1,60m, chạm mức +1,68m. Bên cạnh đó, tổ hợp bất lợi (mưa to kết hợp với triều cường) xuất hiện ngày càng nhiều hơn và diễn ra trên diện rộng (đỉnh triều từ +1,30m đến +1,68m, kết hợp mưa với vũ lượng 30mm - 143mm).
Hệ thống thoát nước: mới - thiếu; cũ - yếu
Cống mới lạc hậu, cống cũ thì ngày càng xuống cấp. Hầu hết các tuyến cống cũ của TPHCM chỉ đáp ứng khả năng tiêu thoát nước cho những cơn mưa có vũ lượng 30mm - 40mm, chưa kể còn bị lún, sụt, bồi lấp… Quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM đến năm 2020 ghi nhận, TP cần tới 6.000km cống các loại trong phạm vi 581,51km2 (thuộc 6 vùng thoát nước). Hiện TPHCM mới đầu tư được gần 50%, còn thiếu hơn 3.407km cống các loại cần bổ sung. Chưa hết, theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TPHCM, hệ thống thoát nước hiện nay không những thiếu trầm trọng mà còn bị quản lý một cách manh mún. Ngoài trung tâm chống ngập còn có các quận, huyện và ban quản lý các dự án cải thiện môi trường.
Cách đây chưa lâu, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo một quận kể câu chuyện muốn nạo vét hệ thống cống trên địa bàn quận; nhưng khi làm việc với quận kế cận, lãnh đạo quận này cho biết chưa bố trí được kinh phí, nên quận của ông đành tạm gác ý định nạo vét cống. Hệ thống thoát nước hoạt động liên hoàn, nên không thể quận này nạo vét mà quận kế bên không nạo… Ngân sách không đáp ứng được và việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư hệ thống thoát nước không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, là những nguyên nhân chính của hiện trạng này.