LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch điều chỉnh xây dựng Vùng TPHCM. Theo đó, nhiều nội dung đã có sự thay đổi so với trước như ưu tiên phát triển đô thị trên vùng đất tốt; phân bổ chức năng không cào bằng mà dựa vào thế mạnh; liên kết giữa các địa phương trong vùng… Trên cơ sở này, TPHCM đang nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố cho phù hợp. Vậy Quy hoạch chung xây dựng TPHCM nên được điều chỉnh ra sao? Loạt bài này sẽ gợi mở một số vấn đề trên cơ sở những thành tựu cũng như các tồn tại mà TPHCM đang gặp phải…
Dòng xe từ khu Nam vào trung tâm thành phố theo đường Dương Bá Trạc. Ảnh: CAO THĂNG
“Thiếu trước, hụt sau”…
Những năm gần đây, chi cho đầu tư xây dựng hệ thống giao thông luôn là một trong những khoản chi lớn nhất của TPHCM. Cũng phải, bởi kinh phí xây dựng không hề nhỏ, ngay như chỉ làm mấy cầu vượt, hầm chui để giải quyết ùn tắc giao thông cho một số nút giao thông, kinh phí cũng đã lên tới vài trăm tỷ đồng/cầu, hầm. Công trình xây dựng hầm chui ở nút giao thông An Sương (điểm giao nhau của quốc lộ 1A, quốc lộ 22 và đường Trường Chinh) vừa được thông xe vào giữa tháng 3-2018, có kinh phí xây dựng 500 tỷ đồng. Hay như công trình cầu vượt nút Mỹ Thủy (nằm ở cửa ngõ ra vào khu cảng Cát Lái quận 2) được thông xe hồi đầu năm 2018, chỉ giai đoạn 1 đã có kinh phí đầu tư 837 tỷ đồng… Thế nhưng, mức chi này cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xây dựng.
Theo báo cáo mới đây của Sở Giao thông vận tải TPHCM: thành phố hiện có 32 công trình giao thông cấp bách chờ… có kinh phí để thực hiện. Đây là những công trình mà theo kế hoạch, phải thực hiện ngay từ nay đến 2020 để giải quyết một số điểm nóng về giao thông. Đó là các dự án: Đường trên cao số 1 (quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh) cần khoảng 17.500 tỷ đồng; đường trên cao số 5 (quận 12, Thủ Đức) cần khoảng 15.405 tỷ đồng; đường trên cao từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) cần khoảng 3.288 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là một số đoạn tuyến trên đường vành đai 2: Đường nối từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh); đường nối từ cầu Phú Hữu đến nút giao thông Bình Thái - Xa lộ Hà Nội (quận 9); và đường nối từ Bình Thái đến nút giao thông Gò Dưa (quận 9, Thủ Đức).
Chưa kể, một số dự án vận tải khác đang cần vốn là Trung tâm điều hành giao thông thông minh (toàn thành phố) cần 6.000 tỷ đồng; tuyến buýt nhanh - BRT số 4 dọc theo trục đường Phạm Văn Đồng cần 1.635 tỷ đồng, việc đổi mới toàn bộ xe buýt cũ kỹ cần hàng trăm tỷ đồng...
Đó là chưa nói đến kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông. Kinh phí cũng luôn “thiếu trước, hụt sau”. Tình trạng mặt đường lồi lõm, xuống cấp... rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông ở nhiều tuyến đường, có nguyên nhân từ việc thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
TPHCM đã có nhiều nỗ lực để thu hút thêm các nguồn kinh phí khác ngoài ngân sách cho công tác này nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển” so với nhu cầu. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 11 - khóa X, diễn ra giữa năm vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đánh giá, TPHCM đang rất thiếu đường. Theo chuẩn, được xác định trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt năm 2010, 1km² đất đô thị phải có 10km đường nhưng hiện nay thành phố chỉ có 1,98km đường/km² đất đô thị, chưa được 20%. Với tốc độ này phải cần 167 năm nữa TPHCM mới đạt chuẩn giao thông đô thị.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết thêm, để đạt được con số 1,98km đường/km²đất đô thị, ngành giao thông đã phải phấn đấu rất nhiều. Cách nay 6 năm, con số này chỉ 1,45km đường/km² đất đô thị.
Nhưng cuộc đuổi bắt khó… kết thúc
Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt năm 2010, đến năm 2025, dân số thành phố sẽ đạt khoảng 10 triệu người (trong đó các quận nội thành là 7,4 triệu người). Thế nhưng, hiện nay dân số TPHCM đã lên tới khoảng 13 triệu người. Như vậy, ngay khi chưa “chạy nước rút” để đạt chuẩn về đường giao thông theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM thì việc này cũng đã trở nên lạc hậu so với tình hình hiện tại. Đó là chưa kể, với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay, TPHCM còn thu hút thêm nhiều người đến sinh sống và làm việc.
Mặc dù còn tranh cãi về dự báo lượng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: 40 - 50 triệu hay 70 triệu lượt hành khách/năm của tư vấn Pháp cũng như của các chuyên gia độc lập TPHCM song tất cả đều là những con số khổng lồ so với khả năng đáp ứng của Sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện với khoảng 35 triệu lượt hành khách/năm Sân bay Tân Sơn Nhất đã “kẹt cả dưới đất lẫn trên trời, cả trong sân bay lẫn ngoài sân bay”.
Năm 2017, TPHCM đã chi hơn ngàn tỷ đồng xây cầu vượt, mở rộng đường vào sân bay nhưng tình hình giao thông nơi đây vẫn không được cải thiện một cách căn cơ. Nguy cơ ùn tắc giao thông vẫn rất cao. Chưa kể, TPHCM còn phải đốn hạ, di dời hơn 100 cây xanh trong đó có rất nhiều cây cổ thụ ở Công viên Gia Định để phục vụ thi công cầu vượt và mở rộng đường.
Tình hình giao thông ở khu vực cảng Cát Lái cũng ở thế tương tự. TPHCM đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng để làm đường, xây cầu vượt để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở đây. Thế nhưng, vừa giảm tải được cho nhu cầu giao thông hiện tại thì lại thấy xuất hiện… nhu cầu giao thông mới. Cảng biển Cát Lái là cảng biển container lớn nhất Việt Nam. Từ nhiều năm nay, có đến gần 50% lượng container trong cả nước được thông quan ở cảng Cát Lái. Mỗi ngày khu vực này thường xuyên có hơn 15.000 xe lưu thông. Và con số này không dừng lại ở đó bởi theo Tổng Công ty Tân Cảng Cát Lái, lượng container qua đây tăng theo từng năm với mức tăng khoảng 15%.
Không chỉ có 2 khu vực đầu mối giao thông nêu trên, ở hầu hết các quận, huyện của TPHCM, mức độ gia tăng dân số kèm theo nhu cầu đi lại tăng cao cũng… rất nóng. Tình trạng ùn tắc giao thông ở đường Nguyễn Tất Thành hướng từ quận 4, quận 7 huyện Nhà Bè vào khu vực trung tâm; ùn tắc giao thông ngay trong đường hầm vượt sông Sài Gòn, khu vực cầu Chánh Hưng… là minh chứng.
Theo nhiều chuyên gia về kinh tế, nếu tính đúng, đủ hết các khoản chi cho đầu tư hạ tầng giao thông, các thiệt hại về thời gian đi lại, làm việc, sức khỏe của người dân… chắc chắn sẽ là con số không nhỏ. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của thành phố dù lớn nhưng sau khi trừ hết các chi phí này, chắc cũng giảm đi đáng kể. Thời gian qua, nhiều sở ngành của thành phố vẫn hay tính kết quả kinh doanh theo doanh thu mà chưa tính theo lợi nhuận nên chưa thấy rõ điều này.
Nội dung