Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM: Hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, con người

Theo kế hoạch, ngày 25-11, TPHCM tổ chức hội nghị báo cáo kỳ 2 về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo Sở QH-KT TPHCM, tại hội nghị, đơn vị tư vấn sẽ báo cáo kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý cho điều chỉnh quy hoạch.

Phát huy thế mạnh thiên nhiên

Theo Sở QH-KT, những nội dung chính đã được tư vấn xác lập và được bàn luận trong hội nghị lần này là TPHCM sẽ đầy sức sống, nơi thiên nhiên, cơ hội và tiện ích lan tỏa đến từng không gian sống trong bán kính 15-20 phút di chuyển.

Theo đó, thành phố sẽ dành không gian phục hồi, kết nối hệ thống sinh thái và hạ tầng xanh toàn vùng, sẽ bảo tồn các khu vực tự nhiên lớn để tạo ra các trọng điểm mới về đa dạng sinh học; sẽ phát triển đô thị theo hướng hòa quyện với sông nước; gắn các trung tâm đô thị với mạng lưới sông ngòi kênh rạch. Đồng thời, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp dọc theo một số sông, kênh chính như kênh Tẻ, sông Đồng Nai về phía Nam TP Thủ Đức (khu vực Cát Lái - Phú Hữu) và Hiệp Phước (Cần Giờ); tôn trọng tự nhiên đối với các sông, kênh để định vị lại tầm quan trọng của hệ thống sông ngòi trong hệ thống liên kết sinh thái chung.

Bên cạnh đó, sẽ bảo tồn tự nhiên và mở rộng khu vực xanh ven các sông, kênh theo trục Bắc - Nam để giảm tốc độ dòng chảy, mở rộng khả năng trữ nước; giữ các kênh theo trục Đông - Tây cho hệ thống thoát nước đô thị và phát triển đường giao thông. Trong khu vực đô thị hiện hữu, xây dựng công viên điều tiết nước tại các khu vực có quỹ đất để góp phần chống ngập. Mặt khác, phát triển các trung tâm du lịch gắn với cảnh quan sông nước đặc trưng của thành phố.

Công viên 23-9 hiện nay. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công viên 23-9 hiện nay. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công viên 23-9 tương lai. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công viên 23-9 tương lai. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đang triển khai điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM. Theo đó, mục tiêu của việc điều chỉnh là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận, cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TPHCM một cách chiến lược, trọng điểm và phát huy hiệu quả; phát triển đô thị TPHCM thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); đảm bảo yêu cầu có mối quan hệ hài hòa, hữu cơ, kết nối chặt chẽ giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu. Hình thành các hạt nhân của các trung tâm chính và trung tâm phụ: trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, trung tâm y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục - đào tạo của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị; củng cố cấu trúc đô thị đa cực; giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan TPHCM…

Điểm đến và sinh sống hấp dẫn

Trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch TPHCM lần này còn đề cập đến thiết lập một hệ thống các trung tâm đô thị đa chức năng, kết nối bởi giao thông công cộng. Cùng với đó là xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ, nơi quỹ đất lớn, giá đất thấp, nhằm kiến tạo nơi sống và làm việc cho số đông lao động; tăng mật độ dân số và xây dựng hạ tầng xã hội cấp vùng tại cửa ngõ có các nhà ga thuộc hệ thống đường sắt liên vùng; xây dựng một số khu đô thị hiện đại, văn hóa, thân thiện môi trường, sáng tạo để thu hút lực lượng lao động trình độ cao (tạo cơ sở cho việc xây dựng trung tâm tài chính ở TPHCM).

Hiện tại, TPHCM có 5 khu vực có sẵn sự tập trung của doanh nhân và lực lượng lao động trình độ cao có thể phát triển đặc biệt nhằm thu hút thêm các đối tượng chiến lược này, đó là: khu vực quận 1 và quận 3; khu vực Thủ Thiêm; khu vực Thảo Điền - Thanh Đa - Trường Thọ (TP Thủ Đức); khu vực Phú Mỹ Hưng mở rộng xuống vùng đầm lầy phía Nam; khu vực Chợ Lớn. Do đó, sẽ ưu tiên chuyển đổi các quỹ đất trở thành đất đô thị để nhanh chóng gia tăng không gian phát triển cho thành phố.

Tăng cường kết nối vùng

Để thực hiện nội dung này, đơn vị tư vấn đề nghị kéo dài các tuyến giao thông chính của thành phố, cả đường bộ và đường sắt đô thị ra các trung tâm kinh tế trong vùng; kéo dài các tuyến đường cao tốc, đường sắt quốc gia vào trong lòng thành phố để đảm bảo kết nối trực tiếp; tái phát triển sân bay Tân Sơn Nhất thành trung tâm đô thị sân bay, cửa ngõ du lịch, dịch vụ của thành phố. Đồng thời, liên kết trực tiếp với các tỉnh, gia tăng kết nối vùng và hỗ trợ làm cửa ngõ cho các chuyên gia hoạt động tại các khu công nghiệp trong vùng qua hạ tầng chiến lược này. Đưa và kết nối trực tiếp các khu công nghiệp của thành phố đến các vị trí logistics quốc tế chiến lược, kết nối chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu và tái cơ cấu các quỹ đất công nghiệp trong nội đô để đón nhận mọi cơ hội chuyển đổi nền kinh tế lên giá trị cao hơn.

Chuyển đổi các khu công nghiệp từ Vành đai 2 trở vào trong thành các trung tâm việc làm và tiện ích tập trung, khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo. Tích hợp các cụm giáo dục, nghiên cứu với các mô hình phát triển doanh nghiệp tạo lực cộng sinh phát triển kinh tế; tích hợp các cụm giáo dục, nghiên cứu với các cụm y tế nhằm tăng cường khả năng phát triển ngành...

Phối cảnh bán đảo Thanh Đa trong tương lai. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phối cảnh bán đảo Thanh Đa trong tương lai. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sử dụng đặc trưng sinh thái trong thiết kế không gian đô thị

Thiết kế đô thị nên dựa trên bản sắc sinh thái đặc trưng của 7 khu vực tiêu biểu của thành phố nhằm đảm bảo sự liên tục của các chức năng sinh thái trong không gian đô thị, tạo ra những trải nghiệm đô thị mới, độc đáo để phục vụ người dân và thu hút du khách. Bảy loại hình định cư đặc trưng chủ yếu ở TPHCM gồm: đô thị lịch sử, đô thị tự phát, đô thị ven sông, đô thị vùng ngập nước, đô thị kênh đào, đô thị nông nghiệp, đô thị biển. Ngoài ra, cũng tạo những loại hình phát triển mới có quy mô nhỏ nhưng có tính thử nghiệm và tính đột phá cao để quảng bá đặc trưng, tạo điểm nhấn khác biệt cho TPHCM cũng như để đúc rút kinh nghiệm cho việc phát triển với quy mô lớn hơn trong tương lai khi nhu cầu gia tăng.

Tạo đột phá đặc thù cho các trung tâm ngoại vi

Đô thị Tây Bắc Củ Chi với vị trí địa lý thuận lợi nằm tại vùng cao nhất TPHCM, lại có lưu vực sông điều tiết và các vùng đất màu mỡ, sẽ tiếp tục phát triển và trở thành hạt nhân dẫn dắt toàn vùng về phát triển nông nghiệp. Tại đây hình thành các trung tâm nghiên cứu hạt giống nông nghiệp, phát triển kỹ thuật nuôi trồng chất lượng cao cho vùng và thế giới. Đồng thời, với cảnh quan cánh đồng đặc trưng sẽ là điểm đến thú vị, phục vụ du lịch cho người dân trong và ngoài nước; đặc biệt là điểm nghỉ dưỡng tiềm năng cho người dân tại thành phố và các chuyên gia trong vùng. Giữ quỹ đất nông nghiệp cũng là giữ đất dự trữ phát triển cho thành phố trong tương lai.

Trong khi đó, khu vực huyện Cần Giờ với vị thế trung tâm của vùng vịnh phía Nam sẽ là hạt nhân dẫn dắt cho toàn vùng công nghiệp cửa biển (bao gồm Tiền Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai), là trung tâm tài chính, hội nghị sự kiện, giải trí, tập trung không gian ở chất lượng cao cho các chuyên gia đầu ngành của thế giới. Phát triển cảng ở khu vực Cần Giờ để mở thêm các cơ hội cho ngành logistics và du lịch. Bổ sung các khu vực có thể cho phép lấn biển, nhằm xây dựng hạ tầng cho các ngành kinh tế biển và nghiên cứu đại dương và không gian đô thị trên biển (ưu tiên dạng đảo có khoảng cách đủ lớn với bờ để hạn chế ảnh hưởng đến sinh thái của vùng dự trữ sinh quyển và tạo những giá trị độc đáo). Phát triển điện gió nhằm xây dựng nguồn điện tái tạo cho TPHCM, thu hút các doanh nghiệp có tiêu chuẩn môi trường cao. Phát triển khu đô thị lấn biển Cần Giờ theo hướng đa chức năng, đô thị khoa học - công nghệ hiện đại và gắn kết với hệ sinh thái kinh tế biển của vịnh Cần Giờ.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục