Cần chính sách đặc thù
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT, cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, TPHCM đã lập nhiệm vụ Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đây là cơ sở, bước thực hiện đầu tiên nhằm điều chỉnh tổng thể đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được phê duyệt năm 2010 (Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010).
Với sự tham mưu của Sở QH-KT TPHCM, đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, báo cáo nhiệm vụ đã được Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM trình Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM và được Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đồng ý với những nội dung cơ bản. Tiếp đó, sở đã báo cáo UBND TPHCM kết quả rà soát, đánh giá đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM theo Quyết định 24. Phác thảo sơ bộ cho thấy, bên cạnh một số thành quả xây dựng thành phố phát triển, hiện đại “bằng xương bằng thịt” nhưng đối chiếu với mục tiêu theo quy hoạch thì còn khá nhiều hạn chế.
Quyết định 24 xác định TPHCM “là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á”. Thực tế, thành phố mới dừng lại ở những chủ trương, cơ chế chính sách, chương trình hành động mà chưa có kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho những bước tiếp theo. Được xác định là trung tâm của vùng, TPHCM sẽ là “thủ phủ kinh tế” của cả nước, do vậy rất cần trang bị cho thành phố hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển.
Về định hướng phát triển không gian, Quyết định 24 định hướng mô hình phát triển đô thị của thành phố là “tập trung - đa cực”, trung tâm là khu vực nội thành và 4 cực phát triển. Tuy nhiên, thực tế thành phố đang phát triển từ khu trung tâm loang ra các khu vực lân cận. Nguyên nhân do các cực xung quanh (cụ thể là dự án các trung tâm dịch vụ công cộng cấp khu vực hoặc thành phố) chưa được hình thành làm giảm sức hút đô thị về khu trung tâm hiện hữu.
Đối với định hướng hạ tầng kỹ thuật đô thị, theo phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng, hệ khung giao thông vẫn chưa hoàn thành kết nối. Riêng đối với đường hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải, trong khi sân bay Long Thành chưa xây dựng… “Bên cạnh những thành tựu quan trọng, phải thừa nhận sự phát triển đô thị TPHCM thời gian qua còn nhiều hạn chế. Từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý, đầu tư, thực thi quy hoạch và quản lý có nhiều điểm bất cập. Bất cập chính của đồ án quy hoạch chung theo Quyết định 24 ở bản chất kinh tế của quy hoạch và cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch”, ông Nguyễn Thanh Nhã kết luận.
Đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộngMục tiêu của điều chỉnh quy hoạch lần này là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM và các địa phương lân cận, kết nối giữa các khu vực khác nhau của TPHCM một cách chiến lược, trọng điểm và hiệu quả; phát triển đô thị thành phố thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; đảm bảo yêu cầu mối quan hệ hài hòa, hữu cơ, kết nối chặt chẽ giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu... Hình thành hạt nhân của các trung tâm chính và trung tâm phụ: trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, trung tâm y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo của vùng đô thị và hạt nhân của khu đô thị; củng cố cấu trúc đô thị đa cực; giữ gìn và nâng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan thành phố; đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng; phát triển quỹ đất cây xanh; môi trường không khí đảm bảo sức khỏe; người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá hợp lý; đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch ổn định. |
Hình mẫu nào?
TS Lương Hoài Nam dẫn dắt từ câu chuyện TP Thủ Đức: “Nếu như TP Thủ Đức dựa trên quy hoạch giao thông hiện có thì rất khó có giấc mơ Phố Đông hiện đại. Chúng ta nói về giấc mơ trung tâm tài chính, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo… nhưng e rằng sẽ gặp rất nhiều trắc trở về mặt quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. Câu chuyện mô hình đô thị cần được chú trọng đúng mực và trả lời một cách mạch lạc”. TP Thủ Đức hiện nay gặp vấn đề lớn về giao thông là tình trạng quá tải (đặc biệt là hướng đi vào các cảng); nhiều dự án bất động sản nhỏ, lẻ; giá đất quá cao làm chùn bước nhà đầu tư…
Góp ý chung cho thành phố, TS Lương Hoài Nam phân tích, chúng ta hay nói những thành phố lớn ở nước ta đều đất chật người đông. Thực ra không phải, TPHCM với diện tích 2.100km2 lớn gấp 3 lần diện tích Singapore và dân số gấp 1,5 lần Singapore. Nhưng Singapore không kêu thiếu đất. Hạ tầng giao thông Singapore bình quân 4,9km đường/1km2 diện tích, trong khi đó TPHCM đạt 2,1km/1km2. Tại sao đường Singapore nhiều làn xe hơn, diện tích cây xanh cũng cao hơn rất nhiều. Thế thì chuyện mô hình đô thị phải trả lời cho được việc chúng ta phải chuyển dịch từ cái chúng ta đang có hiện nay sang cái đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường như thế nào và phải có một lộ trình cụ thể.
“Hiện nay thành phố có nhiều đề án quy hoạch, nhưng số liệu không thống nhất, còn chênh nhau. Do đó chúng ta cần tích hợp lại để có sự thống nhất về số liệu, định hướng thời gian phát triển. Nếu không mỗi ngành sẽ nói một kiểu. Chúng ta quy hoạch tầm nhìn đến năm 2060 - đây là quãng thời gian dài, do đó cần đưa ra một vài nội dung với tính chất là chân lý phát triển”, TS Nguyễn Minh Hòa đề xuất.
Quy hoạch TPHCM phải đặt trong bối cảnh quan hệ với ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam bộ… Trước đây nói Vùng TPHCM nhưng thực tế hiện nay Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là những cực tăng trưởng đối trọng với TPHCM; tốc độ phát triển dự án bất động sản hay thu hút vốn FDI những địa phương này tăng rất nhanh. TPHCM cơ cấu kinh tế là thương mại - dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp, nhưng phải xác định nông nghiệp còn hay không, xóa hay giữ? Rất nhiều nước tái hiện nông thôn trong đô thị, Việt Nam lại có quan niệm nông thôn và đô thị rất rạch ròi. Do đó thành phố phải tính đến nguồn lực, đề án cần dành một phần để nói về TPHCM hiện nay khi lợi thế về đất đai, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, lợi thế cạnh tranh không còn nhiều…
Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Hiện nay TPHCM có nhiều vấn đề bức xúc nhưng đề án sẽ chọn lọc những vấn đề bức xúc nhất để đưa vào, tìm hướng xử lý. Đề án cũng sẽ tính toán cụ thể các khả năng thực tế, nguồn lực cần có để thực hiện mục tiêu đề ra.
4 hướng chưa định hìnhBáo cáo của Viện Quy hoạch - Xây dựng, do ông Đặng Vũ Doãn, chủ nhiệm đề án, đã đi sâu phân tích các hướng tuyến còn yếu kém trong quá trình phát triển của thành phố. Với hướng chính phía Đông: chưa hình thành được các khu đô thị quy mô lớn, đồng bộ. Thực tế các dự án đầu tư quy mô nhỏ, vị trí phân tán, số lượng nhiều làm ảnh hưởng tới nối kết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đây cũng chính là thực trạng khu vực TP Thủ Đức. Về hướng chính phía Nam: dọc tuyến Nguyễn Hữu Thọ hạ tầng cơ bản hoàn chỉnh. Các dự án dọc tuyến này tập trung trong ranh khu Nam thành phố, kéo dài đến khu lân cận. Cơ bản tuyến này có xu hướng phát triển nhưng chậm. Khu đô thị Hiệp Phước từ khi quy hoạch chung được duyệt đến nay vẫn chưa hoàn thành quy hoạch 1/2000, hiện gặp khó trong việc kêu gọi đầu tư. Hướng phụ phía Tây Bắc: các dự án quy hoạch khu đô thị, khu dân cư hoàn chỉnh rất chậm hoặc không triển khai như khu dân cư đô thị Tân Thới Nhì và khu dân cư đô thị Tây Hiệp, khu đô thị sinh thái quận 12. Khu đô thị Tây Bắc được quy hoạch là cực phát triển hướng, đến nay quá trình kêu gọi đầu tư diễn ra chậm, chưa triển khai dự án. Hướng chính phía Tây - Tây Nam: trừ trục đường Nguyễn Văn Linh và khu A - khu đô thị Phú Mỹ Hưng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; các tiểu khu trung tâm và khu chức năng chưa được đầu tư đồng bộ. Việc đầu tư hệ thống giao thông đường bộ và giao thông công cộng của khu Nam kết nối với các trục Bắc - Nam chưa thông suốt, hạn chế phát triển tiểu trung tâm và các khu chức năng còn lại. |