Nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng
Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 4, công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ điện/ngày quy mô toàn quốc đã tăng cao với công suất cực đại, lên tới 47.670MW (ngày 27-4-2024). Tại TPHCM có những ngày tiêu thụ điện vượt 100 triệu kWh/ngày, cụ thể như ngày 24-4 là 101,47 triệu kWh, ngày 25-4 là 103,99 triệu kWh, ngày 26-4 là 103,46 triệu kWh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nền nhiệt tháng 5 có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, vì vậy Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) kêu gọi các khách hàng sử dụng điện duy trì thực hiện giải pháp tiết kiệm điện để tiết kiệm chi phí cho bản thân và góp phần đảm bảo nguồn cung cấp điện. Trong đó, việc điều chỉnh phụ tải, giảm nhu cầu sử dụng điện, góp phần giảm công suất vào giờ cao điểm, quá tải lưới điện, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện là giải pháp cấp bách hiện nay, đặc biệt là ở TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo “Điều chỉnh phụ tải điện: Thực trạng và giải pháp” được tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng Phòng quản lý năng lượng, Sở Công thương TPHCM, khẳng định, nhu cầu sử dụng điện tại TPHCM hiện cao nhất kể từ năm 2020. Vì vậy, điều chỉnh, giảm nhu cầu sử dụng điện, góp phần giảm công suất vào giờ cao điểm, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện là giải pháp cấp bách. “Đây là giải pháp trọng tâm và cấp bách để đảm bảo an ninh năng lượng điện cho TPHCM hiện nay”, ông Duy nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của đại diện EVN tại hội thảo, điều chỉnh phụ tải điện, điều chỉnh công suất tiêu thụ điện nhằm khuyến khích khách hàng điều chỉnh, giảm nhu cầu sử dụng điện, giảm công suất vào giờ cao điểm, nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện. Việc này không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành điện mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội từ những khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Điều chỉnh phụ tải
Điều chỉnh phụ tải điện là một trong những chương trình quản lý nhu cầu điện nhằm khuyến khích khách hàng chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia theo các tín hiệu về giá điện hoặc các cơ chế khuyến khích khi có yêu cầu của đơn vị thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện. Hiểu một cách đơn giản là khuyến khích khách hàng doanh nghiệp hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, chuyển sang giờ thấp điểm.
Việc này sẽ góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện. Như vậy, việc điều chỉnh phụ tải không chỉ tiết kiệm cho khách hàng mà còn giảm áp lực cho ngành điện. Bởi, nếu không thực hiện điều chỉnh phụ tải, ngành điện sẽ phải đầu tư rất nhiều vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện.
Chia sẻ về giải pháp điều chỉnh, dịch chuyển phụ tải điện trên địa bàn thành phố, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết, đây là giải pháp nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện. Với chương trình này, khách hàng được hưởng các ưu đãi như nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện, rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện, hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện, tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả…
4 tháng đầu năm 2024, ngành điện thành phố đã ký với 1.579 khách hàng lớn để thực hiện điều chỉnh phụ tải. Ký thỏa thuận dịch chuyển phụ tải với 1.304 khách hàng sản xuất công nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm với tiềm năng công suất dịch chuyển trung bình khoảng 40MW.
“Khi doanh nghiệp tham gia điều chỉnh, dịch chuyển phụ tải sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh”, ông Bùi Trung Kiên nhấn mạnh.
Theo thống kê sơ bộ của ngành điện, một số doanh nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện, từ đó tiết kiệm được gần 15% tiền điện. Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội cơ khí - điện TPHCM, Tổng giám đốc Công ty Kỹ thuật công nghệ Ánh Dương Sài Gòn, nhà nước đã có chính sách cụ thể ưu đãi với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định cụ thể các vấn đề ưu đãi về thuế, vốn vay. Thậm chí, các dự án thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn được xem xét, hỗ trợ kinh phí từ chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nhiệm vụ và giải pháp tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất
a) Nhiệm vụ và giải pháp:
- Xây dựng và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải; thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý; hạn chế tối đa việc huy động thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; hạn chế tối đa thiết bị điện hoạt động không tải; đảm bảo giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
- Khuyến khích lắp đặt, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió vào hệ thống năng lượng nội bộ; ưu tiên sử dụng các thiết bị được dán nhãn năng lượng hiệu suất cao.
- Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm; rà soát, chấn chỉnh việc chấp hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có liên quan.
- Cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
- Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là đối tượng điều chỉnh của văn bản pháp luật quy định về định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm phải tuân thủ định mức tiêu hao năng lượng theo quy định.
- Xây dựng, triển khai quy tắc về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả tại cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa, cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp…
- Phát động phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về tiết kiệm điện tại cơ sở sản xuất.
- Khuyến khích cơ sở sản xuất tận dụng nguồn năng lượng phát sinh trong quá trình sản xuất như nhiệt thải phục vụ phát điện, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, năng lượng nội bộ, giảm nhu cầu điện của đơn vị từ nguồn điện lưới quốc gia.
- Khuyến khích xây dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 tại cơ sở sản xuất kinh doanh
- Khuyến khích việc triển khai tiêu chuẩn quản lý sử dụng điện năng tại cơ sở sản xuất.
b) Phân công thực hiện:
- UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện phối hợp với công ty điện lực khu vực có văn bản yêu cầu, hướng dẫn cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, gia công hàng hóa, cơ sở chế tạo, sửa chữa phương tiện, thiết bị, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp… lập kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện tại đơn vị, cụ thể hóa mục tiêu tiết kiệm điện hàng năm với các giải pháp, hoạt động, nguồn lực để đạt được mục tiêu.
- Sở Công thương trên cơ sở báo cáo hàng năm của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định tại Thông tư số 25/2020 của Bộ Công thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng yêu cầu, đôn đốc cơ sở chưa tuân thủ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Sở Công thương theo dõi, đôn đốc cơ sở sản xuất thuộc đối tượng điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật quy định mức tiêu hao năng lượng tuân thủ quy định về mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm.