Hơn 400 công nhân Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân) vui mừng khi được thông báo mức thưởng tết một tháng lương. Trước đó, không ít người lao động tại DN này đã lo lắng vì không rõ năm nay có được thưởng tết hay không, bởi việc sản xuất kinh doanh chưa đạt kết quả như mong đợi.
Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết năm 2018 tình hình kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, chia sẻ với DN, cả năm qua người lao động tại đây đã rất tích cực làm việc để cùng lãnh đạo công ty từng bước vượt khó.
Để tri ân người lao động, cách đây một tuần, lãnh đạo công ty đã thống nhất điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho công nhân với mức thấp nhất là 200.000 đồng/người và cao nhất là 500.000 đồng/người, cũng như công bố nhiều hình thức khen thưởng công nhân xuất sắc.
Một trong những đơn vị thông báo mức thưởng tết sớm cho người lao động là Công ty cổ phần In 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo). Năm nay, tình hình kinh doanh về đích trước kế hoạch năm một tháng, nên từ tháng 11-2018, lãnh đạo công ty đã thông báo mức thưởng tết mỗi lao động từ 4 đến 5 tháng lương (tăng 15% so với năm trước).
Điều phấn khởi chính là từ tháng 11, công nhân đã bắt đầu được nhận dần tiền thưởng tết. Cũng có kết quả kinh doanh khá hơn năm trước, từ giữa tháng 12-2018, lãnh đạo Công ty cổ phần Giày Thiên Long (quận 12) quyết định công bố mức thưởng tết tăng 30% so với năm trước đến 2.700 lao động.
Theo đó, mức thưởng cao nhất công nhân được nhận là 15 triệu đồng và thấp nhất là 5 triệu đồng. Tại Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre, dịp Tết Nguyên đán năm nay, mỗi lao động sẽ nhận thưởng lương tháng 13 bằng 150% lương thực lãnh. Với mức tính này, những công nhân lâu năm tại công ty sẽ nhận 30 - 40 triệu đồng/người.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, đến ngày 1-1-2019 đã có hơn 30 DN báo cáo tình hình thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Theo đó, mức thưởng thấp nhất là một tháng lương (trung bình 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng), nhiều DN có mức thưởng 2 tháng lương hoặc cao hơn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng và xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho người lao động cũng được các DN công bố. Hầu hết các DN đã có sự điều chỉnh tăng lương tối thiểu mức thấp nhất 200.000 đồng/người.
Nhiều phúc lợi hấp dẫn
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở LĐTB-XH TPHCM), cho biết tiền lương bình quân năm 2018 của người lao động trên địa bàn TPHCM là gần 10,2 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó, mặt bằng chung về tiền lương của năm 2017 là 8,6 triệu đồng/người/tháng.
Điều này là phù hợp và tích cực, bởi năng suất lao động ở TPHCM tăng lên, một người ở TPHCM làm ra khoảng 300 triệu đồng/năm, cao gấp gần 3 lần so với cả nước, nên người lao động năm nay cũng có thu nhập cao hơn năm trước. Nhờ tiền lương bình quân trong năm tăng, nên tiền thưởng tết cũng tăng tương ứng, đạt trên 10 triệu đồng/người.
“So với năm trước, đa số các DN vẫn thưởng tết một tháng lương, nhưng tiền lương tăng, nên tiền thưởng tết cũng tăng 25%. Đó là điều đáng mừng, giúp người lao động an tâm hơn”, ông Nguyễn Tất Năm đánh giá.
Tại nhiều DN, ngoài lương, thưởng tết, một số đơn vị còn tăng ngày nghỉ tết để công nhân quê ở xa có thêm thời gian sum họp cùng gia đình. Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Domex Việt Nam (KCX Linh Trung 1), cho biết năm nay lãnh đạo công ty đã thống nhất cho công nhân nghỉ tết từ ngày 25 tháng Chạp và bắt đầu làm việc vào ngày mùng 8 tết. Dịp tết này, người lao động tại công ty ngoài tiền thưởng tết 1 tháng lương cơ bản và tiền thưởng vượt năng suất thì còn được tạm ứng 1 tháng lương.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho hay, có 40% DN ngoài tiền thưởng tết còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như: tặng quà tết, tặng phiếu mua hàng, lì xì cho con người lao động, tặng vé xe, tổ chức xe đưa người lao động về quê đón tết… Với người lao động không có điều kiện về quê đón tết, DN phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức tất niên, họp mặt cuối năm, thăm hỏi động viên người lao động.
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group, cho biết khảo sát của VietnamWorks (đơn vị tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, thuộc Navigos Group), đa số (72%) người lao động hài lòng với mức thưởng tết 2019, còn 28% chưa hài lòng hoặc không hài lòng.
Phần lớn DN và người lao động đều cho rằng, thưởng theo tình hình kinh doanh của DN là mức thưởng phù hợp nhất trong thời gian qua. Nếu DN thưởng tết không như mong đợi, phần lớn người lao động sẽ phản ứng; trong đó 55% người lao động kiến nghị để công ty đáp ứng lại yêu cầu và 27% người lao động sẽ nghỉ việc, tìm kiếm nơi làm việc khác có chế độ tốt hơn.
“Một chính sách phúc lợi tốt kèm các gói thưởng tết hợp lý là công cụ hữu hiệu để giữa chân nhân tài và thu hút ứng viên tiềm năng cho DN. Cùng với nắm bắt xu hướng thị trường, DN cũng cần hiểu về mong muốn, nguyện vọng của người lao động để có chính sách phúc lợi, thưởng tết phù hợp”, ông Gaku Echizenya chia sẻ.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, đến thời điểm này, sở ghi nhận có 235 DN hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm có nhiều khó khăn, đơn hàng giảm, phải thu hẹp hoạt động, khó thu hồi công nợ… làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cả năm và kế hoạch thưởng tết cho người lao động. Sau Tết Dương lịch 2019, sở tiếp tục phối hợp các đơn vị khảo sát việc trả lương, thưởng tết cho người lao động. Sở cũng yêu cầu các phòng LĐTB-XH 24 quận/huyện lưu tâm đến các cơ sở sản xuất, DN siêu nhỏ, và nơi có 10 - 20 lao động để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; không để gần tết mà người lao động lại không có tiền lương, tiền thưởng. |