Ghi nhận của PV Báo SGGP trong những ngày qua, để vào khu vực nhà ga quốc nội, khi đổ hết dốc cầu vượt trên đường Trường Sơn, các phương tiện phải thắng gấp để định hình hướng đi, thay vì chạy thẳng một đường như trước đây. Bởi vì, ngay tại chân cầu vượt, xe taxi buộc phải rẽ trái để vào làn D. Riêng xe cá nhân, tổ chức được đi thẳng vào làn A, khu vực sát nhà ga đi và đến của ga quốc nội. Do mới phân luồng, phân làn nên nhiều tài xế bỡ ngỡ, nhất là xe gia đình khiến giao thông tại đây thường xuyên bị “khựng” lại.
Để dễ hình dung, xin nói rõ việc phân luồng giao thông ở đây được tổ chức như sau: Làn A (khu vực sảnh đón trả khách sát nhà ga sân bay) chỉ dành cho phương tiện từ ngoài đưa khách đi vào nhà ga, cấm đón khách. Làn B, làn C chỉ dành cho các phương tiện đón khách là xe nhà, xe cá nhân. Xung quanh khu vực đón, trả khách đều có đặt biển báo các phương tiện dừng đón, trả khách không quá 3 phút. Các làn đường được lắp đặt hệ thống camera giám sát cố định ghi hình phương tiện dừng, đậu sai phép để cơ quan chức năng xử phạt “nguội”. Hiện cả 3 làn A,B,C rất ít phương tiện đi lại.
Trong khi đó, làn D lại thường xuyên ùn ứ xe taxi truyền thống. Các phương tiện xếp hàng dài… Khu vực này bố trí 12 vị trí đón khách, vận hành theo kiểu cuốn chiếu liên tục. Mặc dù làn đường chỉ cho 2 xe lưu thông nhưng nhiều tài xế chen lên thành 3 hàng khiến dòng xe phía sau muốn vào khu vực rước khách (khách chọn hãng xe) rất khó khăn. Tại đây đã xảy ra hiện tượng tài xế giành khách của các hãng khác gây mất trật tự (do khách không muốn đi). Khu vực này, phương tiện lưu thông luôn trong tình trạng lộn xộn.
Còn khu vực dành cho hành khách đi xe công nghệ như GrabCar, BeCar… tại nhà xe TCP (nhà xe ga quốc nội) khá ngột ngạt. Nhiều tài xế phải chờ gần 1 giờ tại nhà giữ xe và còn phải trả thêm 25.000 đồng phí bãi đậu. Không ít hành khách đặt xe công nghệ phải “gọi tới gọi lui” mới tìm được khu vực xe đón. Anh Trần Quang (hành khách) bức xúc, có lẽ chưa bao giờ đón xe công nghệ tại đây khổ như vậy. Đáp chuyến bay xuống ga quốc nội Tân Sơn Nhất lúc 9 giờ sáng nhưng anh Quang loay hoay gần 1 giờ vẫn chưa tìm được xe mà anh vừa đặt trên ứng dụng. Lý do được anh Quang cho hay là không biết xe đậu ở vị trí nào. Theo hướng dẫn của tài xế, anh lên tầng 4 rồi lên tầng 5 của nhà xe TCP để đón xe nhưng lên đến nơi, thấy “một rừng xe” không biết xe nào lại đi xuống. Tài xế có gọi lại và nói đã lên đến tầng 4 và 5 của nhà xe nhưng không thấy khách nên đành phải lái xe đi vì không được dừng ở đây quá 3 phút. “Cứ thế, lặp đi lặp lại chuyện “alo”…, phải mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy nhau, khiến ai cũng mệt mỏi. Người mang hành lý nhiều còn khổ hơn do phải lên xuống cầu thang. Cách phân luồng như vậy liệu có hợp lý?”, anh Quang bức xúc.
Chưa hết, khi tài xế thông báo cho hành khách đi xe công nghệ phải trả thêm phí là 15.000 đồng ra vào nhà xe và 10.000 đồng (BOT sân bay), tổng cộng là 25.000 đồng, hầu hết hành khách cho rằng, về nguyên tắc các khoản phụ phí giao thông là khách chịu nhưng chịu thêm phí ra vào cổng nhà xe mặc dù mình không gửi xe là quá vô lý. Việc phân làn đón trả khách tại sân bay, hành khách ủng hộ để đảm bảo trật tự, an toàn nhưng vô tình lại làm khổ hành khách và ép xe công nghệ, taxi vào thế khó. Tiếp xúc với phóng viên Báo SGGP, hầu hết hành khách đều mong muốn sân bay điều chỉnh lại vị trí đón xe của khách đi xe công nghệ, xe taxi cho hợp lý hơn.