Sáng 1-3, Chính phủ đã họp phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2. Tại phiên họp này, Chính phủ bàn 2 nội dung chính, bao gồm đánh giá tình hình kinh tế xã hội (KTXH) tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và thảo luận về một số dự án luật như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá, dự án Luật Trồng trọt, dự án Luật Chăn nuôi, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, dự án Luật Dân số.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, qua 2 tháng đầu của năm 2018, tình hình KTXH tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực trên nhiều các lĩnh vực. Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 22,9%; xuất siêu hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ nhập siêu gần 50 triệu USD). Khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh đạt trên 2,86 triệu lượt, tăng 29,7%. Vốn FDI thực hiện tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 3,3%), góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 102,5%.
Có trên 18.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 29,4% về số doanh nghiệp (cùng kỳ tăng 3,9%) và 29,3% về vốn đăng ký và gần 7.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng có Tết Nguyên đán tăng 0,73%, bình quân 2 tháng tăng 2,9% (cùng kỳ tăng 5,12%)...
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, không được chủ quan, cần chỉ đạo khắc phục sớm. Cụ thể là, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước vẫn đạt thấp, 2 tháng đạt gần 9% kế hoạch năm, cần khắc phục sớm tình trạng này.
Thủ tướng cho rằng giá cả, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, trong nước có những yếu tố cần quan tâm, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều phải chú trọng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn khi mà giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng và chúng ta hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ FDI, từ đầu tư gián tiếp, kiều hối. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các bộ: Tài chính, Công thương, KH-ĐT và các bộ ngành liên quan cần có các giải pháp cụ thể đối với vấn đề này, kể cả việc điều chỉnh lộ trình giá thị trường một cách phù hợp, đặc biệt là điện, nước, giáo dục, y tế cần được tính toán kỹ.
Cùng với đó, khi nhiều nước điều chỉnh chính sách kinh tế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng thuế đối với hàng nhập khẩu, dựng lại hàng rào thương mại sẽ tác động lớn đến xuất khẩu, ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành cần đề xuất các đối sách phù hợp trước tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt chủ động tìm nguồn lực cả trong nước và nước ngoài để lượng vốn vào Việt Nam nhiều hơn, làm sao sức dân, sức sản xuất trong nước được giải phóng. “Đây là câu hỏi lớn mà nếu chúng ta không tiếp tục đầu tư phát triển, chúng ta sẽ tụt hậu”, Thủ tướng nói.
Song song đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tìm cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp phục hồi nhiều hơn.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất những việc để phản ứng chính sách rõ nét, kịp thời hơn nhằm quản lý chỉ đạo tốt vĩ mô, không để bất ổn xảy ra đi liền với tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất. Bên cạnh phát triển kinh tế cần quan tâm đến vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm như phòng chống tham nhũng, tiêu cực..