Trong báo cáo mới nhất gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, BHXH Việt Nam cho rằng, việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) làm căn cứ xây dựng mức giá các dịch vụ y tế chưa được khảo sát kỹ lưỡng tại các bệnh viện (BV). Đặc biệt, định mức KTKT của nhiều dịch vụ y tế được xây dựng không dựa trên quy trình chuyên môn, kỹ thuật trong khi gần 70% dịch vụ y tế chưa có quy trình kỹ thuật.
Hơn nữa, giá nhiều dịch vụ y tế được xây dựng cao, không phù hợp với khả năng cung cấp dịch vụ của phần lớn cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tuyến dưới, dẫn đến tình trạng tại nhiều BV chi phí vật tư y tế đề nghị thanh toán BHYT lớn hơn số thực tế xuất dùng. Kết quả kiểm tra của BHXH cho thấy tại nhiều BV ở một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình... có sự chênh lệch hàng chục tỷ đồng về số lượng hóa chất, vật tư y tế, định mức nhân lực, thời gian thực hiện dịch vụ y tế giữa thực tế sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh và định mức tính giá của Bộ Y tế.
BHXH Việt Nam cũng cho rằng, trong Thông tư 37/2015 của liên bộ Y tế - Tài chính (được thay thế bằng Thông tư 15 - PV) trước đây chỉ xây dựng được mức giá cụ thể cho gần 1.000 dịch vụ y tế, trong khi thực tế còn hàng ngàn dịch vụ khác được phiên tương đương. Nhiều dịch vụ do không có quy trình kỹ thuật chuyên môn nên việc phiên tương đương không chính xác, dẫn đến chênh lệch lớn về chi phí so với thực tế. Đến Thông tư 15 cũng chỉ mới điều chỉnh, bổ sung giá của 88 dịch vụ kỹ thuật trong số hàng ngàn dịch vụ nêu trên. Cùng với đó, mức giá xây dựng chưa tương đồng theo chất lượng dịch vụ, dẫn đến dịch vụ được cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đảm bảo chất lượng cũng có mức giá như dịch vụ cung ứng không đảm bảo chất lượng tại các cơ sở khác. Điều này làm gia tăng chi phí bất hợp lý cho Quỹ BHYT.
Tuy nhiên, trước phản ứng trên của BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), khẳng định Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã thực hiện đúng quy định của Luật Giá, Luật BHYT, Luật Khám chữa bệnh khi xây dựng giá dịch vụ y tế tại Thông tư 37 và điều chỉnh một số giá tại Thông tư 15. Các định mức kinh tế kỹ thuật để xác định viện phí cũng được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát thực tế tại khoảng 30 BV, tổng hợp báo cáo của 4 BV hạng đặc biệt, 56 BV hạng 1, 140 BV hạng 2 và hơn 250 BV hạng 3. Trong Thông tư 15, giá khám bệnh đã xây dựng 6 loại định mức kinh tế kỹ thuật cho 6 hạng BV: đặc biệt, 1, 2, 3, 4 và y tế xã. Giá ngày giường bệnh cũng xây dựng 41 loại định mức theo 5 hạng BV và trạm y tế xã. Trong mỗi hạng BV có 9 loại giường. Riêng với các dịch vụ kỹ thuật, để khuyến khích các BV tuyến dưới thực hiện các dịch vụ giúp người dân có điều kiện tiếp cận, không phải lên tuyến trên, liên bộ Y tế - Tài chính đã thống nhất mức giá của các BV là như nhau.
Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết, khi điều chỉnh viện phí trong Thông tư 15, Bộ Y tế đã căn cứ vào kết quả trúng thầu giá các loại vật tư, hóa chất của các BV cả trung ương và địa phương cũng như kết quả trúng thầu do đấu thầu tập trung của địa phương, không lấy giá trung bình cộng của các kết quả trúng thầu để xác định.
“Việc điều chỉnh giá viện phí lần này sẽ góp phần tăng khả năng cân đối Quỹ BHYT đến năm 2020 trong điều kiện chưa tăng mức đóng BHYT. Khi điều chỉnh giá, các BV có bị ảnh hưởng do giảm nguồn thu dịch vụ y tế. Song về phía người bệnh, giá dịch vụ giảm nên phần đồng chi trả của người bệnh giảm, việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT”, ông Liên khẳng định.
Dự kiến ngày mai 4-7, tại TPHCM, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị triển khai Thông tư 15 trên phạm vi cả nước.