Điều chỉnh chính sách để nền kinh tế tăng tốc vững chắc

Việt Nam đã bước sang nửa cuối năm 2025 với một tâm thế vừa vững vàng, vừa thận trọng. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt trên 7% - cao hơn kỳ vọng trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động. Thành quả này không chỉ phản ánh nội lực của nền kinh tế, mà còn là kết quả của các chính sách điều hành linh hoạt, quyết liệt cải cách thể chế và đầu tư công mạnh mẽ.

Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT và Tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định, nhờ 3 trụ cột: đầu tư công, tiêu dùng nội địa và cải cách thể chế. Trong 6 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đạt trên 268.000 tỷ đồng, chiếm 29,6% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ năm trước. Chính phủ cũng đã bố trí thêm hơn 170.000 tỷ đồng để tinh gọn bộ máy hành chính và 30.000 tỷ đồng cho giáo dục - y tế. Đây là nền tảng thúc đẩy tổng cầu trong nước và tạo dư địa cải cách dài hạn.

Đặc biệt, “bộ tứ nghị quyết” chiến lược, trụ cột do Bộ Chính trị ban hành đã mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế. Nghị quyết 68-NQ/TW đặt mục tiêu khu vực tư nhân chiếm hơn 55%GDP và khoảng 40% thu ngân sách vào năm 2030, thông qua cải cách môi trường đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu, minh bạch hóa thể chế, khuyến khích đổi mới sáng tạo và mở rộng mô hình đối tác công - tư. Trong khi đó, các nghị quyết về công nghệ (Nghị quyết 57-NQ/TW), hội nhập quốc tế (Nghị quyết 59-NQ/TW), đổi mới công tác xây dựng pháp luật (Nghị quyết 66-NQ/TW) cho thấy quyết tâm tái cấu trúc kinh tế theo hướng hiện đại, tự chủ và bền vững hơn.

Tuy nhiên, tác động của thuế đối ứng Hoa Kỳ áp lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ sau ngày 9-7 đang đặt ra phép thử thực sự cho nửa cuối năm. Theo thông tin từ các tổ chức phân tích, mức thuế 20% được đánh giá là “đạt được trong đàm phán”, thấp hơn mức trần có thể tới 46%. Dù vậy, mức thuế này vẫn sẽ tạo ra áp lực nhất định lên nhóm ngành xuất khẩu chủ lực như: dệt may, gỗ, điện tử và thủy sản. Sự kiện này buộc doanh nghiệp phải chuyển dịch chiến lược xuất khẩu, tăng nội địa hóa sản phẩm và mở rộng thị trường sang EU, ASEAN và các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây cũng là cơ hội để Chính phủ thúc đẩy cải cách quy tắc xuất xứ, kiểm soát hàng trung chuyển và tránh tình trạng “mượn xuất xứ” gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Đồng thời, nền kinh tế vẫn nên chuẩn bị cho những bất định từ bên ngoài. Biến động ở Trung Đông khiến giá dầu biến động; rủi ro từ nợ công Hoa Kỳ và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa cắt giảm lãi suất; đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, đều có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và chi phí tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chiến lược thích ứng là rất cần thiết. Chính phủ nên sớm ban hành hướng dẫn kỹ thuật về xuất xứ, đẩy mạnh nội địa hóa, giám sát hàng trung chuyển để tránh rủi ro bị áp thuế cao hơn. Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, cải tiến công nghệ, gia tăng giá trị nội địa và tìm kiếm cơ hội tại các thị trường phi truyền thống.

Những giải pháp khác cũng phải được thực hiện đồng bộ như: triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9; chính sách lãi suất, tỷ giá phù hợp để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới… Nửa đầu năm là giai đoạn tạo đà, còn nửa sau mới là giai đoạn “thử lửa” thực sự. Việt Nam đang đứng trước cơ hội điều chỉnh nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Nếu vượt qua được những biến động bên ngoài và biết tận dụng các động lực trong nước, nền kinh tế hoàn toàn có thể tăng tốc vững chắc, tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Tin cùng chuyên mục