Điều chỉnh biển báo giao thông tiện lợi cho người dân

Không chỉ tại TPHCM, nhiều tuyến đường ở các tỉnh thành xuất hiện biển cấm dừng, cấm đậu tràn làn. Có đoạn đường chỉ dài khoảng 3km nhưng có đến 70 biển báo giao thông lắp đặt dọc 2 bên đường, gây “rối mắt”.

Hiện đang có tình trạng biển báo giao thông bố trí dày đặc, chồng chéo, khuất tầm nhìn, không phù hợp thực tế, như...”cài bẫy” người lưu thông.

N1i.jpg
Khu vực bùng binh ngã ba quốc lộ 50 và tuyến tránh quốc lộ 50 (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) không có biển báo hướng dẫn lưu thông nên người dân di chuyển như đường một chiều, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ảnh: NGỌC PHÚC

Biển báo chồng chéo, thiếu nhất quán

Nhiều tài xế công nghệ phản ánh tình trạng bị xử phạt vi phạm giao thông vì vô tình không để ý biển báo do bị che khuất hoặc hiểu nhầm nội dung biển báo. “Tôi bị phạt vì dừng xe ở đoạn cấm đậu, trong khi không hề thấy biển đâu vì nó khuất sau cột đèn”, tài xế Trần Văn Duy (quận 4) chia sẻ.

Anh Võ Quốc thường xuyên di chuyển trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) cho biết, chỉ trong vài chục mét từ chân cầu vượt Hàng Xanh hướng ra cầu Sài Gòn, có hơn chục biển báo, như cấm rẽ trái, cấm dừng đậu, chỉ hướng, ưu tiên làn đường…

Có biển lắp ở vị trí cao vượt tầm mắt người điều khiển xe; nhiều biển bị cây xanh, trụ điện che khuất, có biển bị phai màu, mờ chữ rất khó đọc. Trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), nhiều biển báo giới hạn tốc độ bị cây xanh che khuất hoàn toàn. Có những biển báo đặt sát lề đường, bị che bởi hàng quán, cây xanh, người đi đường gần như không thể nhìn thấy. Nhiều trường hợp bị phạt chỉ vì không thấy biển báo.

Trong khi đó, nhiều tuyến đường ở các quận trung tâm như quận 1, 3, 5, các trục đường lớn như Trường Chinh, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh… vị trí nhiều biển báo không hợp lý. Trên cùng một đoạn đường, có nhiều biển báo giao thông nội dung chồng chéo.

Cùng đoạn đường nhưng biển báo giới hạn tốc độ thay đổi liên tục trong vài trăm mét, gây bối rối cho tài xế. Anh Nguyễn Thanh Long, tài xế xe công nghệ, thông tin: Tôi đi trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) mà phải đảo mắt liên tục để đọc biển báo, nhiều khi không kịp nhìn biển đã bị CSGT thổi còi.

Tại ngã tư quốc lộ 50 và tuyến đường dân sinh vào ấp 3, ấp 4 (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), theo hướng Long An đi TPHCM, có biển báo 301d chỉ dẫn được quẹo phải, trong khi khu dân cư ở bên trái. Nếu không muốn phạm luật, người dân phải đi thật xa, rồi quay đầu vào khu dân cư, về nhà phía bên trái.

Ông Huỳnh Ngọc Đảng, ở ấp 3, xã Đa Phước cho biết: Cái “biển báo kỳ lạ” đó cắm lâu rồi, người dân ít chấp hành vì bất hợp lý, nhưng không thấy đơn vị chức năng tháo dỡ.

Biển báo “đánh đố” người đi đường

Không chỉ tại TPHCM, nhiều địa phương cũng có tình trạng rối biển báo giao thông, gây khó khăn cho người điều khiển xe.

Ở Hà Nội, trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, hàng chục biển báo giao thông bị cây xanh che khuất tầm nhìn hoặc nằm xen kẽ với biển quảng cáo. Trên đường Hồ Tùng Mậu, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Lê Quang Đạo và khu vực đầu cầu Chương Dương phía quận Long Biên, rất nhiều biển báo có cỡ chữ nhỏ, khó quan sát. Trên địa bàn thành phố hiện còn 10 bộ biển báo không phù hợp, 293 vị trí thiếu và 161 bộ biển báo bị hư hỏng.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, trên địa bàn tỉnh Bình Định, đoạn từ quốc lộ 1A vào sân bay Phù Cát chỉ dài 3,2km nhưng có đến 70 biển báo giao thông lắp đặt dọc 2 bên đường, gây “rối mắt”.

Theo nhiều tài xế, dọc các trục đường chính qua Bình Định, Phú Yên, có nhiều biển báo, đèn giao thông bất hợp lý, còn các bảng chỉ dẫn thì rối rắm, người mới đi lần đầu sẽ rất khó đi đúng tuyến đường.

chu de.jpg
Ở nút giao ngã 5 Đại học Đà Lạt, dù giao thông các hướng rất thông thoáng nhưng đèn đỏ hơn 90 giây, gây ức chế cho người tham gia giao thông. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), sau hơn 3 năm đưa vào vận hành sử dụng, hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã thể hiện sự thiếu đồng bộ trong các cụm đèn khiến nhiều người dân bỡ ngỡ. Nút giao Hoàng Văn Thụ - Ba Tháng Hai, Ba Tháng Hai - Nguyễn Văn Cừ, Ngã 5 Đại học Đà Lạt… cho phép các phương tiện được quẹo trái, quẹo phải khi đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ, nhưng do không có bảng phụ hướng dẫn, nhiều người không dám di chuyển, khiến xe cộ ùn ứ.

Tại nút giao Ngã 5 Đại học Đà Lạt, bất kể điều kiện giao thông mật độ cao thấp, đèn tín hiệu màu đỏ kéo dài tới hơn 90 giây, trong khi màu xanh chỉ 24-34 giây, gây ức chế cho người chờ đợi lâu khi phía trước đường thông thoáng.

Tỉnh Đồng Nai ghi nhận có 4 tuyến quốc lộ 1, 20, 51, 56 đi qua với hơn 200 vị trí bất cập về biển báo giao thông. Riêng đối với 24 tuyến đường tỉnh, từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh đã phối hợp xử lý 3 vị trí nút giao và đang bổ sung, thay thế biển báo đường bộ theo quy chuẩn.

Tại nút giao quốc lộ 51 với thị trấn Long Thành và xã Long Đức, tỉnh Đồng Nai, tình trạng đèn tín hiệu “đang đỏ bất ngờ chuyển sang xanh” khiến tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra… Ở nút giao gần ngã ba Kim Định, quốc lộ 50 (thị trấn Cần Giuộc, tỉnh Long An), tuy có tín hiệu đèn lưu thông qua bùng binh tam giác, đều là đường 2 chiều theo 3 hướng. Do không có biển báo nên khi các phương tiện qua lại bùng binh này chạy loạn xạ như đường một chiều…

Nhiều tài xế qua nút giao IC4 (phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) trên quốc lộ 1A rất bức xúc về cách tổ chức, bố trí phân làn, tín hiệu đèn giao thông tại đây. Hơn 3 tháng qua, khi thay đổi cách bố trí tín hiệu đèn, vạch chỉ đường, ô tô đi TPHCM chỉ được di chuyển trên 1 làn xe, khiến phương tiện phải chen chúc, nối đuôi nhau dẫn tới tình trạng ùn ứ, kẹt xe kéo dài.

Chưa thay thế gần 2.600 biển báo bất hợp lý

Thời gian qua, Sở GTCC TPHCM phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM (PC08) lắp hơn 500 bảng “Chú ý nhường đường cho xe rẽ phải” tại 205 giao lộ. Từ khi triển khai Nghị định 168, sở đặt biển cấm dừng, cấm đậu tại khoảng 500 điểm thường ùn ứ xe theo đề nghị của công an thành phố - hiện có 390 đoạn, tuyến đường có đặt biển cấm dừng, cấm đậu.

Thời gian tới sẽ chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp Ban An toàn giao thông TPHCM, TP Thủ Đức và UBND các quận huyện rà soát toàn bộ hệ thống biển báo.

Các biển không cần thiết sẽ được tháo dỡ, biển bị che khuất, sai vị trí sẽ được điều chỉnh lại để đảm bảo rõ ràng, dễ quan sát. Sở cũng khuyến nghị người dân, tài xế theo dõi thông tin qua các ứng dụng giao thông chính thức của thành phố để cập nhật những thay đổi về phân luồng, biển báo.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng nên có sự đánh giá, khảo sát kỹ lưỡng trước khi lắp đặt biển báo, kiểm tra thường xuyên để điều chỉnh kịp thời. Không thể để người dân “chịu trận” vì sự thiếu đồng bộ.

Ngành giao thông cần kiểm tra định kỳ, công khai minh bạch quá trình lắp đặt và thay đổi biển báo, tăng cường tiếp nhận phản ánh từ người dân để điều chỉnh kịp thời.

N5b.jpg
Nút giao IC4 tại TP Cần Thơ, hướng đi lên TPHCM. Ảnh: Tuấn Quang

Trong khi đó, Cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, tình trạng biển báo giao thông gây khó khăn cho người đi đường với các lỗi thường gặp: lắp đặt tại các vị trí không hợp lý; biển báo bị mờ, độ phản quang giảm; biển báo bị cây, chướng ngại vật che khuất; biển báo phụ có quá nhiều thông tin…

Theo quy chuẩn QCVN41:2024 mới về báo hiệu đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, hàng loạt biển báo trước đây lắp đặt theo quy chuẩn cũ không còn phù hợp, cần thay thế. Đến nay các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 4.386 biển, chưa xử lý gần 2.600 biển báo.

Cục trưởng Cục Đường bộ Bùi Quang Thái đã yêu cầu các đơn vị triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh về việc rà soát, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập đối với hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông trong tháng 4-2025.

Các đơn vị quản lý đường bộ sẽ rà soát, tháo dỡ ngay các biển báo hiệu không cần thiết, nội dung không phù hợp, thay bằng các biển báo đúng quy định, bảo đảm khoa học… Khắc phục ngay các bất cập, hư hỏng về hệ thống báo hiệu đường bộ tại các nút giao, khu vực trường học, vị trí có nguy cơ mất an toàn, các đoạn đường có độ dốc cao, tầm nhìn hạn chế...

Tin cùng chuyên mục