Tuy nhiên, nhiều DN, chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại về các “điểm mù” pháp lý, đồng thời kiến nghị đầu tư tập trung cho DN tiềm năng, tránh dàn trải.
Ưu đãi nhưng không cào bằng
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Nhà nước đang có nhiều ưu đãi đối với các DN khởi nghiệp. Chẳng hạn, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Theo đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ từ chính sách, đặc biệt là hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Cụ thể, hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng và không quá 1 hợp đồng/năm; hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm, thương mại hóa sản phẩm, gọi vốn đầu tư, phát triển thị trường…
Tương tự, Quyết định 844/QĐ-TTg với đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ 800 dự án, 200 DN khởi nghiệp. Đến năm 2025, hỗ trợ khoảng 2.000 dự án khởi nghiệp phát triển; 100 DN tham gia đề án gọi được vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng…
Làm hoa tại cửa hàng Hoa hồng Magic (quận Bình Thạnh) - cửa hàng do một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp, đã gầy dựng được thương hiệu từ vài năm qua
Mặc dù các đề án hỗ trợ đã có, và ngay tại TPHCM cũng có hàng loạt trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp (Không gian đổi mới sáng tạo; Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…), nhưng một số DN cho rằng lực đẩy chưa thực sự mạnh mẽ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngà, Giám đốc phát triển kinh doanh TrueDreams.vn, cho rằng Nhà nước nên tập trung nguồn lực để hỗ trợ những DN nhỏ đã “thử lửa” khởi nghiệp được vài năm và sống được.
Đây là những DN đủ tố chất kinh doanh. Bởi thực tế cho thấy, có những bạn trẻ chỉ chăm chút lên ý tưởng kinh doanh thật “kêu” để thu hút nhà đầu tư, nhưng lại thiếu thực tế, chưa có sự trải nghiệm kinh doanh, nên nhà đầu tư có nguy cơ rủi ro, mất trắng. “Không nên lãng phí nguồn lực, đầu tư cào bằng, thiếu sàng lọc trong việc trợ vốn khởi nghiệp.
Nếu được, Nhà nước có thể hỗ trợ nguồn vốn cho các nhà đầu tư đủ tầm nhìn, biết rót vốn vào DN khởi nghiệp nào để sinh lợi”, ông Nguyễn Văn Ngà nói.
Tìm hiểu, phòng tránh “điểm mù” pháp lý
Có một điểm chung dễ nhận thấy của các DN nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng, chính là mối lo về thủ tục pháp lý. Ông Phan Đình Tuấn Anh, nhà sáng lập Angels 4 Us, thừa nhận trong quá trình khởi nghiệp, DN sẽ gặp một số rủi ro khi va chạm các “điểm mù” pháp lý. Chẳng hạn như kinh doanh khi chưa đăng ký, bán sản phẩm khi chưa đăng ký, việc sử dụng lao động, ý tưởng kinh doanh và nỗi lo bị đánh cắp…
Phân tích kỹ hơn về thực trạng “điểm mù” pháp lý, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Luật, chỉ ra rằng có 2 vấn đề DN cần lưu ý: Rào cản pháp lý trong giai đoạn tìm kiếm (khám phá, kiểm chứng khách hàng) và rào cản pháp lý trong giai đoạn triển khai.
Thế nhưng, đối với rào cản đầu tiên (giai đoạn tìm kiếm), phần lớn các khung pháp lý phát sinh do các bên tự xây dựng theo dạng thỏa thuận dân sự. Nghĩa là, nếu không xác lập thì không có căn cứ giải quyết tranh chấp về sau. Điều này khác với DN đã hình thành và phát triển, hoạt động theo Luật DN. Do vậy, biện pháp hữu hiệu là tăng cường hỗ trợ DN ý thức được tầm quan trọng của pháp lý và xây dựng công cụ pháp lý, nhằm hạn chế tranh chấp.
Dầu vậy, bà Đinh Thị Quỳnh Như khẳng định không có cơ chế xóa bỏ những “điểm mù” pháp lý cho DN khởi nghiệp, vì luật pháp luôn đi sau thực tế. Tuy nhiên, DN cũng đừng nản lòng, vì không chỉ trong pháp lý mới có “điểm mù”, mà “điểm mù” hiện diện trong cả quá trình khởi nghiệp, kinh doanh của DN.
Theo đó, bà Như khuyến cáo các cơ quan chuyên trách, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp nên giúp DN nhận diện được những rủi ro pháp lý, phòng tránh các thiệt hại không đáng có sau này.
Chính quyền giữ vai trò quan trọng
Kinh nghiệm từ các nước phát triển trên thế giới cho thấy, chính quyền giữ vai trò quan trọng hỗ trợ “hệ sinh thái” khởi nghiệp. Chính quyền là người điều hành, quảng bá, tiêu dùng, tạo ra không gian làm việc, đầu tư, kết nối, hoạch định chiến lược, quản lý số, cung cấp dữ liệu. Ví dụ, với vai trò là người quảng bá, chính quyền tại New York (Mỹ) đã tổ chức chiến dịch “We are made in NY” nhằm hỗ trợ DN New York. Trong chiến dịch này, các DN làm những đoạn phim ngắn giới thiệu mô hình kinh doanh của mình, đồng thời quảng bá cho thương hiệu chung “Made in NY”, giúp gắn kết, phát triển cộng đồng DN New York…
Thạc sĩ Luật NGUYỄN THẾ ĐỨC TÂM, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM