Trong màn trình diễn này, khi lên sóng truyền hình đã đưa ra lời cảnh báo: “Đây là màn biểu diễn chuyên nghiệp, khán giả không thử dưới mọi hình thức”. Sự cảnh báo ấy chẳng có gì lạ, bởi việc bịt mắt, ném dao chắc chắn khiến cả các nghệ sĩ, khán giả có mặt ở trường quay lẫn khán giả truyền hình đều có phần rùng mình. Vậy nên, mới có chuyện đại diện nhà sản xuất trả lời trên báo chí rằng, bất ngờ khi tiếp nhận những phản ứng tiêu cực từ khán giả.
Thử thách nói trên đáng lẽ ra sẽ đúng nghĩa “tạo cảm giác mạnh” cho khán giả nếu như những góc máy quay không biến nó trở thành phản cảm, dù người xem chẳng cần phải cố để liên tưởng. Ngay sau đó, tập phát sóng này đã bị gỡ khỏi YouTube cũng như các ứng dụng video khác. Nhưng trong thời đại 4.0, “giấy làm sao bọc được lửa”.
Hậu quả là những hình ảnh ấy vẫn được truyền nhau và kéo theo tranh luận không ngớt nổ ra trên mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích ê kíp cố tình câu view bằng những hình ảnh dung tục. Một bộ phận khán giả lại phản hồi rằng “củ cải chỉ là củ cải” sao có thể quy chụp là phản cảm, gợi dục. Và, có cả những ý kiến đặt ra câu hỏi trách nhiệm của đơn vị phát sóng - VTV trong trường hợp này ở đâu, bởi họ chính là “người gác cổng”.
Chuyện những hình ảnh dung tục, phản cảm ở các gameshow, truyền hình thực tế vốn chẳng xa lạ nếu không muốn nói là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nào là hôn nhau, ăn mặc hở hang, đụng chạm cơ thể, ngôn ngữ gợi dục… đủ cả. Ngay cả việc sử dụng các màn trình diễn rùng rợn: nuốt dao, dùng yết hầu bẻ cong thanh sắt, dùng móc sắt xuyên mũi, nuốt dao lam, dùng đầu đẩy xe… cũng xuất hiện nhan nhản trên khắp các chương trình. Lẽ dĩ nhiên, khả năng “khác người” đó sẽ thu hút khán giả.
Riêng với Kèo này ai thắng đó được xem như là “đặc sản”: vớt đồ ăn trong dầu sôi bằng tay không, nhẹ kéo 5 người bằng da cổ, lấy lưỡi dẫn điện chạy máy khoan, nuốt máy khoan đang chạy... Dĩ nhiên, với các khách mời tham gia trình diễn, đó là kết quả của sự khổ luyện. Nhưng lần này, thay vì nhận được sự tán dương nơi khán giả, chương trình đã tạo nên phản ứng ngược.
Truyền hình luôn là hình thức giải trí dành cho số đông, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Bản thân những hình ảnh rùng rợn ấy, chứ chưa đề cập đến yếu tố dung tục (kể cả là liên tưởng của người lớn), liệu rằng với chỉ những cảnh báo bằng chữ rất nhỏ kia có đủ đảm bảo an toàn, đặc biệt cho đối tượng trẻ em.
Cứ cho rằng, việc cài cắm những tiết mục rùng rợn ấy là công cụ để đơn vị sản xuất thu hút người xem, tuy nhiên cũng cần xét lại việc chọn lọc kỹ hơn. Dẫu biết việc phân loại đối tượng, độ tuổi khán giả của các chương trình là khó, nhưng không có nghĩa không thể thực hiện. Do đó, sự mạnh tay của các đài truyền hình là điều cần thiết.
Có một thực tế, khi sự việc về các chương trình có nội dung phản cảm hay gây ra sự sợ hãi được cộng đồng mạng lên tiếng, báo chí phản ánh thì các hình thức xử lý xem ra chưa đủ sức nặng. Đã có chương trình phải tạm ngưng nhưng rồi lại biến tấu dưới vỏ bọc khác.
Có xử phạt về hành chính, yêu cầu thanh tra… nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy. Trong thời buổi có quá nhiều lựa chọn các hình thức giải trí trực tuyến, nếu để khán giả mất lòng tin và quay lưng, khi ấy hậu quả còn nghiêm trọng hơn.