Tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018, nghệ sĩ Ngọc Trinh và Công ty TNHH Giải trí Hero Film góp mặt với vở Tiếng giày đêm (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc), có sự tham gia của NSƯT Đàm Loan, diễn viên Ngọc Trinh, Đại Nghĩa, Hữu Tiến, Thùy Dương… Sau quãng thời gian dài tạm xa sàn diễn vì cuộc kiện tụng quyền lợi kéo dài, nay nghệ sĩ Ngọc Trinh đã lấy lại tinh thần, tiếp tục bắt tay làm sân khấu, thăng hoa cùng vai diễn…
* PHÓNG VIÊN: Khán giả thấy chị xuất hiện trong một số vở kịch sau thời gian dài vắng bóng. Việc quay trở lại với ánh đèn sân khấu, hẳn cho chị nhiều cảm xúc?
- Diễn viên NGỌC TRINH: Đam mê đã thành nghiệp. Tôi thấy mình là người của công việc, không làm việc, tôi không chịu được. Hơn 3 năm qua, không đi diễn khiến tôi rất tủi thân.
Tôi cố gắng nhận nhiều công việc khác phù hợp khả năng như thu hình, tham gia các sô diễn lớn nhỏ, quay phim truyền hình, điện ảnh, diễn tăng cường cho một vài sân khấu… để duy trì hoạt động biểu diễn, có nguồn thu nhập. Nhờ làm nhiều việc mà tôi thấy mình có được nguồn năng lượng tích cực, tạm quên đi những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
Diễn viên Ngọc Trinh
Thỉnh thoảng tôi lại đến các sân khấu để xem đồng nghiệp biểu diễn. Dù ngồi dưới hàng ghế khán giả thôi, nhưng không khí sàn diễn, ánh đèn, âm thanh, không gian sân khấu, luôn cho tôi bao cảm xúc rộn ràng, háo hức. Tôi hiểu sân khấu chính là cuộc sống, cuộc đời của tôi. Vậy là tôi quyết định trở lại, góp mặt trong một số vở kịch để thỏa mãn đam mê nghề diễn.
Là nghệ sĩ, dù cho cuộc sống có nhiều lúc không như ý muốn, hoặc có những “tai nạn” ngoài ý muốn, nhưng tình yêu sân khấu, tình yêu nghề sẽ không thay đổi. Theo thời gian, trải qua bao thử thách, cảm xúc, sự giao tiếp trong công việc, cuộc sống, tôi đã tự rút ra bài học: Sẽ đam mê nghề lý trí hơn, giảm bớt kiểu mê đến liều, bất chấp rủi ro như trước. Giờ, làm nghề phải đắn do, suy nghĩ, tính toán và cẩn trọng.
* Sự xuất hiện trở lại của chị với sân khấu còn được ghi dấu bằng việc đầu tư dàn dựng vở kịch Tiếng giày đêm tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018. Chị kỳ vọng điều gì cho tác phẩm của mình tại “sân chơi” này?
- Liên hoan là ngày hội của anh em nghệ sĩ trong nghề. Tôi thấy khả năng mình có thể cùng tham gia nên quyết định bắt tay thực hiện với mong mỏi sẽ đem đến cho liên hoan và khán giả một tác phẩm hay. Chọn kịch bản cũ Tiếng giày đêm của anh Lê Chí Trung, tôi cũng rất trăn trở phải làm sao đem được sự tươi mới, phù hợp thời đại vào tác phẩm.
Trong vở, tôi đảm nhận vai cô người ở - vai tôi từng diễn thời mới ra trường nên có nhiều cảm xúc đặc biệt. Ngoài ra, tôi quan niệm, dựng vở không chỉ để tham gia liên hoan, mà sau liên hoan hy vọng có nhiều điều kiện thuận lợi để vở tiếp tục phục vụ khán giả.
Dù bây giờ tôi chưa chính thức đầu quân về sân khấu nào, hay tự mở một sân khấu cho riêng mình. Nhưng biết đâu, việc đầu tư dàn dựng vở diễn tham gia liên hoan chính là cái duyên để tôi quay trở lại với công việc tổ chức biểu diễn.
* Ấp ủ việc trở lại làm sân khấu, chị đã chuẩn bị những gì?
- Vì chưa có sân khấu riêng nên tôi đã liên lạc với một số sân khấu để gợi ý hợp tác tổ chức biểu diễn. Hiện tôi và hai sân khấu đang trong tiến độ bàn bạc về phương thức hợp tác, nhưng vì trước đây tôi từng bị tổn thương vì công việc này nên giờ tôi phải thật cẩn trọng.
Sau khi thống nhất được phương thức hợp tác thoải mái nhất, trên tinh thần hai bên cùng có lợi, tôi sẽ lên kế hoạch cụ thể để sáng đèn các vở diễn của mình, trong đó có cả 6 tác phẩm mà tôi từng tổ chức dàn dựng và biểu diễn tại Nhà hát Kịch TPHCM.
Giờ, tôi vẫn đang chờ vụ kiện tụng về bản quyền tác phẩm, về quyền lợi kinh tế của tôi với nhà hát này được tòa án giải quyết dứt điểm.
* Nhắc lại vụ kiện tụng của chị với một số cá nhân thuộc đơn vị Nhà hát Kịch Thành phố, sự việc đang ở giai đoạn giải quyết như thế nào?
- Sự việc này kéo dài đã 4 năm. Đến thời điểm này, tôi cảm thấy rất mệt mỏi, không muốn có sự dây dưa thêm về thời gian nữa. Nhưng rất nhiều lần, khi được TAND quận 1 mời cả hai bên lên để phân xử, phía Nhà hát Kịch TPHCM đều vắng mặt.
Những năm tháng qua, tôi rất buồn, nhưng vẫn luôn tự động viên mình phải tự tin, phải cố gắng, cứng rắn hơn. Nhưng thật sự, tôi cũng chỉ là phụ nữ, nhiều lúc rất chạnh lòng. Tôi không muốn hơn thua, chỉ muốn tìm lại sự công bằng cho mình.
Sau một thời gian dài, khi sự việc lắng bớt độ nóng, giờ tôi bình tĩnh hơn, tôi rút ra được những kinh nghiệm làm nghề rất quý giá. Tôi nghĩ, trước đây, khi hai bên có sự xung đột, giá như cùng nhẹ nhàng hơn, hiểu nhau hơn, không kích động thì sự việc sẽ được giải quyết êm đẹp.
Thời điểm đó với tôi, khi đầu tư vào sân khấu, tôi đã hy sinh rất nhiều, bỏ các vai diễn phim ảnh, truyền hình, show diễn… để toàn tâm lo cho sân khấu. Tôi đã trăn trở cho dự án sân khấu suốt nhiều năm với bao lo toan, tính toán chuyện thua lỗ, tìm kiếm kịch bản, xây dựng dàn diễn viên nòng cốt… thế nên, khi sự việc xảy ra, tôi bị sốc nặng, tôi như rơi xuống vực, cảm thấy mình đang mất tất cả. Phải chi có ai đó chia sẻ, kéo giảm độ sốc của tôi lại, mọi chuyện chắc sẽ không như ngày hôm nay.
Nhắc lại sự việc này cũng là mong vụ kiện nhanh chóng được giải quyết dứt điểm trong năm nay, để tôi có thể lấy lại giấy phép tổ chức biểu diễn 6 vở kịch mà tôi đã đầu tư dàn dựng, biểu diễn và nhận được sự đền bù thiệt hại về kinh tế... Hành trang của tôi khi lên tòa chỉ có sự thật đem theo bên mình và niềm tin sẽ tìm được công lý.
* Với vai trò đạo diễn, chị có định hướng phát triển như thế nào?
- Năm nay, từ tháng 7 đến tháng 12, tôi tiếp tục chọn tác phẩm để dàn dựng, hoàn thành chuyên ngành đạo diễn hệ đại học. Tôi học đạo diễn chỉ để mở rộng kiến thức nghề, để tôi hiểu, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn với các đạo diễn hợp tác làm việc với mình. Và lúc nào kẹt đạo diễn quá, tôi có thể tự cứu mình để các dự án trôi chảy. Ngoài ra, trên bước đường làm nghề, nếu có duyên gặp được những kịch bản hay, tác phẩm mình thích thì tôi sẽ đảm nhiệm công việc đạo diễn.
* Trải qua không ít thăng trầm trong tình cảm, cuộc sống, công việc, nhưng chị vẫn giữ mãi ngọn lửa đam mê, chị có thấy mình quá đa đoan?
- Từ nhỏ đến lớn, số phận tôi luôn gặp nhiều thử thách. Bản thân tôi không bao giờ có ý nghĩ mình phải được sống hưởng thụ. Khi muốn làm gì, tôi thường quyết làm đến cùng. Tôi cũng tự thấy mình là người đa đoan. Những lúc gặp việc không suôn sẻ, tôi cũng tủi thân lắm, nhưng chưa bao giờ tôi bi quan, dù nhiều lúc tôi cảm thấy đơn độc, lẩn quẩn, nhưng rồi tôi lại tự tìm lối thoát.
Tôi luôn tự nhủ: Mình mỗi ngày cứ cố gắng thêm một chút, rồi tất cả sẽ ổn. Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là bên mình luôn có những bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô, gia đình, người thân. Đặc biệt có những người bạn thân luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, ủng hộ tôi trong mọi hoàn cảnh.