Lời hứa 7 năm và thay vai giờ chót
Nếu nói cuộc sống này luôn ẩn chứa những bất ngờ, có lẽ Hồng Kim Hạnh là người thấm thía hơn ai hết. Nghe cách cô kể về cơ duyên đến với Thương nhớ ở ai, được giao vai Hơn, mới thấy có những mối lương duyên người trong cuộc chẳng thể ngờ.
Năm 2007, khi tham gia dự án điện ảnh Em muốn làm người nổi tiếng (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), Kim Hạnh có cơ hội gặp đạo diễn Lưu Trọng Ninh khi anh ghé đoàn phim chơi.
Ấn tượng về cô bé diễn viên miền Nam chưa tròn đôi mươi, nhưng mang nhiều nét đặc trưng của người Hà Nội khiến anh có suy nghĩ sẽ mời cô hợp tác trong một dự án nào đó.
Chân ướt chân ráo vô nghề, Kim Hạnh đón nhận lời đề nghị đó một cách thản nhiên và không quá kỳ vọng. Bảy năm sau, Hạnh nhận được cuộc gọi từ vị đạo diễn với lời hứa năm nào. Sau casting 2 tuần, Hạnh được báo cô đã được nhận vai, nhân vật cũng tên Hạnh - một cô con gái hiếu thảo và là người dẫn chuyện của Thương nhớ ở ai.
Nhưng đó chưa phải là quyết định cuối cùng, theo lời đạo diễn, trong số các diễn viên TPHCM được chọn ở vòng 1, sẽ có người phải ra về khi phim bấm máy chính thức. Mang theo “cả ngôi nhà di động” ra miền Bắc vào những ngày đông giá rét năm 2014, Hạnh tự nhủ, sống chết cũng phải có vai trong phim chứ không chịu ra về tay trắng. Cuối cùng, cô được chọn, người bạn kia đành ra về.
Hồng Kim Hạnh trong Thương nhớ ở ai
Chính Hồng Kim Hạnh cũng chẳng thể ngờ, một vai diễn mình đã đọc rất kỹ kịch bản, sẵn sàng nhập vai, cuối cùng lại không thuộc về mình. Ngày đầu quay, đạo diễn yêu cầu đổi vai. Hạnh được chỉ định thử thêm vai Hơn. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, càng đọc và tìm hiểu nhân vật, cô càng yêu…
Hơn. “Sau khi tính toán đường dây tâm lý cho nhân vật, em diễn thật tự nhiên. Lo lắng là điều không tránh khỏi, vì nếu cố gồng sẽ lộ ngay nhược điểm của diễn viên miền Nam vào vai cô gái nông thôn Bắc bộ.
Mỗi ngày lên trường quay là mỗi ngày học hỏi, quan sát cử chỉ, lời ăn tiếng nói, dáng đi, đứng của mọi người”, Hạnh kể với niềm say sưa như thể, vai diễn chỉ mới ngày hôm qua. Thậm chí, mỗi lần đi đường, cô nhìn chăm chăm dáng đi gù gù của một cụ bà, cái tất ta tất tưởi của những người lao động bình dân, khuôn miệng tròn vành rõ chữ, chậm rãi mà tinh tế của người Hà Nội...
Quan sát bằng mắt nhưng cảm nhận bằng chính trái tim, Hạnh trở thành Hơn tự lúc nào không hay. Nhiều phân đoạn, ngồi trước khung hình, diễn viên chưa kịp khóc, đạo diễn đã rơi nước mắt.
Hạnh thừa nhận, Hơn không chỉ là vai diễn bước ngoặt trong nghiệp diễn xuất của mình, nhân vật còn giúp cô được nhiều hơn thế. Đó không đơn thuần là niềm vui mỗi ngày ra đường được mọi người gọi bằng cô Hơn, chị Hơn; được một bà cụ nói rằng, hình ảnh người phụ nữ ôm con trong phim chính là hình ảnh của mình ngày xưa; mà còn là vai diễn cho cô rất nhiều vốn sống, cách ứng xử tinh tế, ý nhị, được sống thật với cảm xúc của mình.
“Trước khi quay phim vài tháng, ba em mất, cuộc sống cá nhân trải qua nhiều biến cố, lại phải sống xa mẹ, em trai nên nhiều lúc cảm giác mình giống như tự kỷ, thậm chí chỉ dám khóc một mình. Ai hỏi cũng nói mình ổn, nhưng tất cả cảm xúc đều được dồn nén để khi vào nhân vật, mọi thứ cứ thế được bung ra. Những khổ sở đều thể hiện hết ra bên ngoài”, Hạnh nói.
Cảm ơn biến cố cuộc sống
Trước khi nhận vai Hơn trong Thương nhớ ở ai, nhắc đến Hồng Kim Hạnh, số người nhớ mặt, kể các vai diễn, hay ca khúc cô từng thể hiện, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Quãng đường hơn 10 năm theo nghệ thuật cũng lắm đứt quãng…
Trước ngưỡng cửa đại học, Hạnh hăm hở thi vào Nhạc viện TP bởi niềm đam mê ca hát. Nhưng cô bị viêm dây thanh quản mãn tính, giọng mỏng và yếu nên phải đổi hướng thi Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP với niềm tin, theo thời gian, sẽ lấy lại được giọng hát. Vậy nhưng, để đậu vào khoa diễn viên cũng là thử thách, giọng nói yếu, nhỏ, khàn và không có nét là một nhược điểm. Nhưng rồi Hạnh đã bước được một chân vào con đường nghệ thuật.
Những năm tháng trên giảng đường đại học đã mang đến cho Hạnh không ít cơ hội. Cô nhớ mãi lần lọt vào mắt xanh đạo diễn Nhuệ Giang, khi đoàn phim Trái tim bé bỏng đi casting khắp 3 miền, nhưng chính cô đã đánh mất cơ hội được chọn vào vai chính.
“Chị rất thất vọng về em, có cơ hội mà hời hợt quá”, đó là lời của đàn chị Hồng Ánh khiến Hạnh không bao giờ quên..., dù sau đó được chọn vai thứ chính. Cuộc đời nghệ thuật của Hạnh trước Thương nhớ ở ai, gói gọn trong hai từ đắn đo và ôm đồm.
Việc đắn đo có tiếp tục tham gia nghệ thuật hay nghe lời ba mẹ tìm công việc ổn định, khiến cô có nhiều khoảng thời gian đứt quãng. Sống trong sự bao bọc của cha mẹ, Hạnh nhớ như in những ngày cha chở đến đoàn phim, ngồi ngủ gục chờ con quay...
Hạnh chỉ nghĩ đơn thuần, người trưởng thành không để cho người khác lo. Có thời gian cô ngưng đóng phim đi làm kế toán để làm hài lòng ba mẹ. Năm 2012, Hạnh vẫn nuôi mộng ca sĩ khi ghi tên vào cuộc thi Vietnam Idol, dù cuối cùng không đi đến đâu. Đi lòng vòng, cuối cùng cô vẫn trở về với nghệ thuật thứ bảy.
Hạnh thừa nhận, thất bại làm mình sáng mắt. Cô thầm cảm ơn cuộc sống đã hơn một lần trao cho mình những cơ hội quý giá. Biến cố cuộc sống là những trải nghiệm vô giá…