
Xuất hiện trong phim Hải Nguyệt của đạo diễn Trần Mỹ Hà qua vai một cô gái tham gia cách mạng tại vùng quê biển, rồi đến phim Người đẹp Tây Đô (đạo diễn Lê Cung Bắc), Đất phương Nam (đạo diễn Vinh Sơn)… Hoài An thường thể hiện các vai cô gái quê hiền hậu với gương mặt khá ấn tượng- đôi mắt to, má lúm đồng tiền sâu, duyên dáng…

Mê điện ảnh từ nhỏ nhưng tính rụt rè, cho đến khi nộp đơn tham dự cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh, do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức năm 1994, Hoài An quyết tâm chọn con đường nghệ thuật gian khổ này. Hoài An kể chuyện, từ lúc đóng chung bộ phim Hải Nguyệt, chị và diễn viên Hồng Ánh bắt đầu trở thành bạn bè thân thiết, luôn động viên, hỗ trợ tinh thần cho nhau trong công việc nghệ thuật.
Hồng Ánh còn là người bạn quý của Hoài An trong những khúc quanh của cuộc sống. Lập gia đình, Hoài An chia tay điện ảnh. Rồi vì cuộc sống gia đình không hạnh phúc, họ lại chia tay. Mất bốn năm trong cuộc sống riêng với nhiều trăn trở, lận đận, nhưng rất may mắn Hoài An không để tắt ngọn lửa đam mê điện ảnh. Khi có cơ hội, chị kiên trì theo đuổi tiếp con đường nghệ thuật dang dở của mình. Lần này, sự trở lại của Hoài An được các đạo diễn chú ý với nét diễn đằm thắm, chững chạc qua các vai người phụ nữ trong phim Cay đắng mùi đời, Ngã rẽ cuộc đời, Hai mảnh đời, Dưới cờ đại nghĩa, Lửa đáy hồ, Gọi giấc mơ về, Tường vy cánh mỏng…
Còn trẻ nhưng “chuyên trị” các vai người lớn tuổi, bạn bè khi trò chuyện thường hỏi đùa Hoài An có cảm thấy mình già quá khi chỉ mới vào tuổi “băm” mà con cháu đầy đàn …! Trả lời bằng nụ cười rất tươi, cởi mở, Hoài An cho rằng nghệ thuật luôn đòi hỏi diễn viên phải biết hóa thân đủ loại, đủ kiểu nhân vật.
Với chị, các vai diễn người mẹ đã mang lại cho mình một nét duyên riêng. Từ kinh nghiệm ngoài đời, quan sát cuộc đời, chị tin mình có thể “cảm thụ” vai diễn người mẹ tốt hơn, biết chú ý bộc lộ chiều sâu nội tâm nhân vật tinh tế hơn. Có lẽ, lời đáp cho sự lao động nghệ thuật của một diễn viên chính là việc được khán giả đánh giá qua cảm nhận và tiếp nhận nghệ thuật của họ.
Gần đây, với vai người mẹ trong bộ phim truyền hình Gọi giấc mơ về (đạo diễn Xuân Cường) và vai một cô giáo trong phim Tường vy cánh mỏng (đạo diễn Trần Quang Đại, Trần Hữu Phúc), Hoài An được khán giả màn ảnh nhỏ rất yêu thích nét diễn chân thực, sống động. Bà Kim trong phim Gọi giấc mơ về là người mẹ khá “gia trưởng” nhưng chu toàn trách nhiệm và thể hiện lòng thương yêu con cái theo quan niệm vừa thực tế xen lẫn thực dụng, dạng tâm lý một người phụ nữ bình dân. Trong phim Tường vy cánh mỏng, cô giáo Lành được Hoài An thể hiện thật ngọt ngào với tính cách một người phụ nữ trí thức: vừa cảm nhận tình yêu riêng của mình, vừa bị dằn vặt với trách nhiệm của một người mẹ luôn thương yêu, lo lắng cho các cô con gái bước vào tuổi yêu…
Gần như thời gian qua, Hoài An luôn chạy đua với công việc đóng phim, lồng tiếng, theo đoàn nghệ sĩ, diễn viên đi biểu diễn và làm từ thiện ở vùng sâu, vùng xa. Hoài An dành riêng cho bản thân và con cái một ngày bình thường lúc ở nhà như thế nào? Diễn viên Hoài An tâm sự, chị đang sống với cha mẹ ruột và con trai; được sự hỗ trợ của ông bà ngoại chăm sóc cháu mỗi khi mẹ vắng nhà. Lúc rỗi rảnh, Hoài An vẫn thích dắt con đi chơi, mua sắm trang phục, quần áo. Đôi khi, chị còn thiết kế trang phục theo sở thích riêng của mình.
Chăm sóc sắc đẹp là điều quan tâm hàng đầu của một diễn viên, tất nhiên, muốn giữ dáng “nhon” thì phải có chế độ ăn uống đúng mực. Có kiêng ăn gì thì kiêng, mỗi lần nghe ai nhắc đến món cơm tấm là Hoài An lại nghe “rộn rã trong lòng” (ôi chao, đây cũng món ăn ngon của Việt Nam, đó chứ!). Hoài An cho biết, còn một nguồn hạnh phúc nho nhỏ là chị và con trai đều mê máy vi tính. Nhưng, với cu cậu, ưu tiên là game; còn với mẹ Hoài An là lướt net. Chị thích san sẻ vui, buồn với bạn bè trên blog. “Mình đang sống trong thời đại @ mà!”, Hoài An tươi cười, bày tỏ.
Kim Ửng