113 dự án điện giải tỏa
Theo EVN, trong thời gian qua, các dự án sản xuất điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió phát triển nhanh về số lượng ở nước ta. Trong đó, chỉ riêng về điện mặt trời, đến nay, trên cả nước đã đưa vào vận hành 102 dự án với tổng công suất 6.314MWp (tương đương 5.245MWac). “Phong trào” làm điện mặt trời rầm rộ nhất là trong quý 2 năm ngoái, chỉ trong một thời gian ngắn, có gần 90 dự án điện mặt trời ra đời, với tổng công suất khoảng 4.000MWp.
mỗi dự án sản xuất điện hoạt động được thì phải gắn liền với hàng loạt công việc đi kèm như đấu nối lưới điện, kết nối hệ thống, đầu tư xây dựng đường dây truyền tải… Đây là khối lượng công việc kỷ lục trong quá trình phát triển của ngành điện Việt Nam và số lượng nhà máy được đưa vào vận hành cũng là kỷ lục từ trước đến nay. Nhưng do các nguồn điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành đồng loạt trong khoảng thời gian rất ngắn, lại tập trung mật độ lớn tại Ninh Thuận và Bình Thuận, nên xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ lưới điện vào cùng thời điểm các dự án điện mặt trời phát công suất cao.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hòa lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ và để khắc phục tình trạng quá tải lưới điện, EVN cùng các đơn vị thành viên đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện của các dự án năng lượng tái tạo.
Trong thời gian qua, EVN đã đưa vào vận hành 21 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV, với tổng chiều dài đường dây trên 750km cùng các trạm biến áp có tổng dung lượng 5.025MVA để từng bước giải tỏa công suất cho các nhà máy. Trong đó, đã hoàn thành vượt tiến độ một số công trình trọng điểm, như: Nâng công suất các trạm 500kV Vĩnh Tân, Di Linh và các trạm 220kV Tháp Chàm, Hàm Tân; đưa vào vận hành các trạm 220kV mới tại Ninh Phước, Phan Rí; đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các tuyến đường dây 110kV trong khu vực...
Tính chung cho các dự án điện mặt trời và điện gió, đến nay, hạ tầng lưới điện truyền tải của EVN đã cơ bản đáp ứng giải tỏa hết công suất của 113 dự án đang vận hành, với tổng công suất trên 5.700MW (bao gồm cả các dự án vận hành trước 30-6-2019 và các dự án mới được đưa vào vận hành trong năm 2020).
Nhưng còn ùn ứ dài dài
Thế nhưng, theo các chuyên gia về năng lượng, khối lượng dự án mà EVN đáp ứng vẫn chưa đủ để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo đang và sắp được đầu tư ồ ạt. Bởi sau khi Thủ tướng ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo thì nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất các dự án mới. Tính đến cuối tháng 8, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt trong quy hoạch là gần 23.000MW (trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW).
Như vậy, ít nhất vẫn còn hàng trăm dự án với tổng công suất lên tới hơn 17.000MW đã được bổ sung quy hoạch (gấp 3 lần số công suất đã giải tỏa được) nhưng vẫn phải chờ EVN đầu tư lắp đặt đường dây để kết nối, truyền tải điện trong những năm tới. Đây thực sự là khó khăn cho các nhà đầu tư vào điện mặt trời, điện gió.
EVN cho biết, để đáp ứng giải tỏa công suất cho các dự án còn bị ùn ứ, EVN đã khẩn trương báo cáo các cấp có thẩm quyền đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải có liên quan tại các khu vực. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các công trình lưới điện mới này sẽ khó đáp ứng tiến độ đồng bộ với các công trình điện gió, điện mặt trời, nhất là với các trường hợp mà chủ đầu tư cố gắng đưa dự án vào vận hành thương mại để được hưởng cơ chế giá điện FIT (các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) hiện hành.
Có thêm nhiều dự án sản xuất điện là điều đáng mừng. Nhưng lâu nay, xây dựng lưới điện truyền tải vẫn là độc quyền Nhà nước. Vì thế, theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng “khó đáp ứng về tiến độ” do độc quyền, cũng là để giảm tải cho doanh nghiệp Nhà nước như EVN, cần nhanh chóng xã hội hóa nguồn lực đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải, cho phép tư nhân, trong đó có thể là chính chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo tham gia đầu tư đường dây, nhanh chóng giải tỏa công suất, không để tình trạng lo thiếu năng lượng nhưng điện làm ra vẫn thừa mà không thể đưa lên hệ thống.