Ngoài ra, các dự án nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là trồng chuối hoặc cây có múi trên diện tích 1.376ha hợp tác, liên kết triển khai với đối tác có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm và thị trường.
Theo ông Đỗ Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng cao su khai thác tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế lần lượt đạt 11.823 tỷ đồng và 2.923 tỷ đồng, bằng 102,4% và 113,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh thành công thì một số lĩnh vực công nghiệp cao su gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ, giá bán giảm nên lợi nhuận thấp; sản phẩm gỗ thiếu nguyên liệu, giá nguyên nhiên liệu tăng nhưng giá bán đầu năm 2022 không tăng; các khu công nghiệp chưa hoàn tất được thủ tục để tăng quỹ đất cho thuê.
Cụ thể, các sản phẩm nệm, gối, bóng... sản lượng đều đạt cao so với kế hoạch nhưng không đủ bù đắp cho mức suy giảm của găng tay y tế, dẫn tới doanh thu và lợi nhuận giảm so với thực hiện của năm 2021 nên khối công nghiệp cao su có mức tăng trưởng âm. Tập đoàn vẫn tiếp tục đầu tư các dự án dở dang, không đầu tư dự án mới, tiến độ triển khai các dự án khu công nghiệp đều chậm so với kế hoạch nên giá trị thực hiện đầu tư đến nay đạt khoảng 30% kế hoạch năm.
Từ nay đến cuối năm, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh việc trồng xen, trồng luân canh, hợp tác phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây nguyên liệu gỗ… để tăng hiệu quả sử dụng đất và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Dự báo tình hình thị trường kịp thời để có giải pháp linh hoạt về tiêu thụ, tồn kho, khách hàng, giá bán… nhằm bảo đảm lợi nhuận kế hoạch và dòng tiền của hoạt động kinh doanh.