Đến dự buổi diễn tập có các đồng chí: Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), Công an TPHCM; Nguyễn Phúc Hưng, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức; Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức; Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an TP Thủ Đức; Phạm Đức Châu Trần, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức.
Cùng dự có ông Youn Chel Woon, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung và các giám đốc phụ trách.
Theo tình huống giả định, vào 9 giờ ngày 23-4, tại khu vực sản xuất toà nhà VD5, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (khu Công nghệ cao, phường Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) phát sinh cháy do sự cố chập điện dây chuyền sản xuất. Do đặc thù ở khu vực sản xuất có lượng vật tư, hàng hoá lớn nên việc triển khai chữa cháy ban đầu gặp nhiều khó khăn. Đám cháy lan nhanh sang các khu vực xung quanh với diện tích cháy khoảng 350m2. Đám cháy tỏa ra nhiều khói khí độc, nhiệt độ đám cháy tăng cao, đe dọa đến tính mạng của những người bị kẹt lại bên trong. Ngọn lửa nhanh chóng lan sang các khu vực lân cận dẫn đến cháy lớn.
Khi xảy ra sự cố cháy, lực lượng tại chỗ hướng dẫn nhân viên công ty thoát nạn ra nơi an toàn. Tuy nhiên, do một phần công trình bị sập phần la phông, trong đó khói đã xâm nhập cầu thang và hành lang thoát nạn làm cho 10 người bị thương, bị kẹt trong khu vực cháy.
Lúc này, lãnh đạo công ty lập tức có mặt tại hiện trường chỉ đạo nhân viên kích hoạt hệ thống báo cháy toàn công ty; đồng thời gọi điện thông báo đến Cảnh sát PCCC Công an TPHCM và chính quyền địa phương.
Nhận được tin báo, Công an TPHCM đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, 20 xe chữa cháy và các phương tiện chuyên dụng đến hiện trường chữa cháy, giải cứu nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy.
Sau 20 phút, đám cháy được dập tắt, hơn 500 người được hướng dẫn thoát nạn an toàn. Toàn bộ nhân viên bị thương, bị mắc kẹt trong đám cháy được giải cứu thành công.
Đây là phương án xử lý tình huống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ phức tạp, quy mô lớn, được Công an TPHCM chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Hoạt động nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; các giải pháp thoát nạn, các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu của các lực lượng phối hợp để chủ động trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Cùng với đó, nhằm thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ. Nâng cao năng lực điều hành chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia xử lý đối với các đám cháy lớn…