Theo Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, TP Huế có diện tích gần 5.000km² và khoảng 1,2 triệu dân; với 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã và 4 huyện); 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn).
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Huế từ lâu được biết đến là một trung tâm đào tạo nhân lực có uy tín. Rất nhiều nhân tài về Huế làm việc đồng nghĩa với việc thành phố đang sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao. Về phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn thời gian tới, nhu cầu đầu tiên là về nhân lực, Huế hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu này.
Huế còn có lợi thế phát triển du lịch bền vững, với rất nhiều khu du lịch để phát triển thành chuỗi du lịch, dịch vụ trải nghiệm đa dạng từ Bạch Mã, Lăng Cô đến phá Tam Giang… Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có 8 di sản được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Đây là những thế mạnh rất đặc thù và vượt trội so với các thành phố khác ở miền Trung và trên cả nước.
“Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương được xem là một chiến lược của Trung ương và Bộ Chính trị, để Huế cùng với TP Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm của miền Trung. Điều này sẽ đánh thức nhiều tiềm năng của Huế mà hiện còn ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Định hướng mới này kỳ vọng sẽ kích thích không chỉ là sự phát triển của TP Huế mà cả khu vực miền Trung”, TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là cơ sở để tổ chức chính quyền đô thị mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”.