Giữa bối cảnh căng thẳng của Nga và phương Tây tăng lên mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, lực lượng vũ trang Nga ngày càng tăng tốc hiện đại hóa các loại vũ khí.
Vũ khí công nghệ cao
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, Kazan là tàu ngầm đầu tiên thuộc Dự án 885M (Yasen-M), được hạ thủy ngày 31-3-2017. Ngày 25-9-2018, tàu chạy thử tại nhà máy. Vũ khí tấn công chính của tàu ngầm Dự án 885M là tên lửa hành trình Onyx, Kalibr và trong tương lai là tên lửa siêu âm Zircon.
Trước đó, tờ Daily Mail (Anh) số ra ngày 5-5 có dẫn bình luận của nhà báo Will Stewart cho rằng, vũ khí siêu thanh RS-28 Sarmat mới của Nga - hệ thống tên lửa tiên tiến với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu lỏng hạng nặng - có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và phá hủy vùng lãnh thổ có diện tích bằng bang Texas hoặc nước Anh.
Đánh giá tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat của Nga là vũ khí kinh hoàng nhất thế giới với tầm phóng xa nhất, sức công phá mạnh nhất, nên phương Tây gọi tên lửa liên lục địa RS-28 Sarmat là Satan-2. Tổng trọng lượng của tên lửa khoảng 200 tấn, tầm bay tối đa 18.000km, khối lượng nhiên liệu là 178 tấn, chiều dài là 35,5m, đường kính là 3m. Tổ hợp Sarmat đưa các đầu đạn đi dọc theo quỹ đạo khiến cho việc tiêu diệt chúng trở nên khó khăn hơn rất nhiều, ngay cả với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại trong tương lai. Sarmat có thể bay theo quỹ đạo qua Nam Cực, hoàn toàn miễn nhiễm với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại nào.
Truyền thông Nga dẫn nhiều nguồn tin cho biết, nước này sẽ thực hiện 3 vụ phóng RS-28 Sarmat trong năm 2021, trong đó vụ phóng thử đầu tiên dự kiến được thực hiện vào quý 3. Cả 3 vụ phóng sẽ được thực hiện tại Trung tâm vũ trụ Plesetsk ở Tây Bắc nước Nga. Một trong những tên lửa đó có thể sẽ được thử nghiệm ở tầm bắn tối đa. Sau đó, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat sẽ được bàn giao cho Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga vào năm 2022.
Hãng TASS dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, khẳng định: “Các nước đang cố gắng bắt kịp Nga về vũ khí siêu thanh. Việc phát triển các hệ thống vũ khí siêu thanh mà không quốc gia nào có, cho thấy nền tảng khoa học và kỹ thuật vững chắc của Nga”. Trong thông điệp liên bang ngày 21-4, Tổng thống Putin thông báo, theo kế hoạch, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Sarmat sẽ sử dụng vào cuối năm 2022, trong khi tên lửa siêu thanh là Kinzhal, Avangard, Zircon cũng đang trong kế hoạch phát triển.
Bên cạnh tên lửa siêu thanh ở vị trí bá chủ hiện nay, vũ khí làm nên sức mạnh quân sự Nga còn là đơn vị robot tấn công đầu tiên được Bộ Quốc phòng Nga thông báo thành lập ngày 9-4 vừa qua. Robot chiến đấu Uran-9 nặng 12 tấn, được thiết kế để trinh sát, hỗ trợ hỏa lực và chiến đấu chống tăng. Robot chiến đấu Uran-9 bao gồm pháo tự động 30mm, tên lửa chống tăng dẫn đường Ataka và súng phun lửa Shmel. Đơn vị robot tấn công đầu tiên sẽ được thành lập trong thành phần Các lực lượng vũ trang Nga, gồm 5 tổ hợp robot Uran-9, tức khoảng 20 máy chiến đấu.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí ngày càng gia tăng khi New START, hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa 2 cường quốc đã hết hiệu lực vào tháng 2-2021, thì sự xuất hiện của một tổ hợp tên lửa hạng nặng liên lục địa của Nga được cho là sẽ giúp nước này duy trì tình trạng cân bằng hạt nhân.
Theo Tổng thống Putin, quân đội Nga đã được trang bị hệ thống tên lửa siêu âm Avangard, hệ thống laser Peresvet. Cuối năm nay, hệ thống tên lửa chiến lược Sarmat sẽ đi vào hoạt động. Tên lửa siêu thanh Zircon sẽ sớm được đưa vào trực chiến và các hệ thống hiện đại khác tiếp tục được phát triển. Ông Putin nhấn mạnh, các hệ thống vũ khí hiện đại, có độ chính xác cao và mạnh mẽ như vậy, ngay bây giờ sẽ quyết định diện mạo tương lai của lực lượng vũ trang Nga. Do đó, các yêu cầu về đào tạo nhân sự, chất lượng và cường độ huấn luyện chiến đấu cũng trở nên cao hơn.
Tổng thống Putin khẳng định trong bài thông điệp liên bang trước Quốc hội ngày 21-4 rằng, hiện đại hóa quân đội là một quá trình liên tục. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, khoảng 3/4 quân đội nước này đã được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Tỷ trọng trang bị quân sự hiện đại trong năm 2022 sẽ là 76%. Tỷ lệ tên lửa hiện đại trong lực lượng tên lửa chiến lược đã là 88% trong năm nay. |
Bảo vệ sự độc lập
Bên cạnh duy trì lợi thế cạnh tranh, Nga cần phải đi đầu trong việc nghiên cứu công nghệ như trí tuệ nhân tạo và di truyền học tiên tiến để bảo vệ sự độc lập. Nga đang hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân dựa trên nhu cầu bảo đảm an ninh và xu hướng phát triển vũ khí của riêng mình. Sự phát triển các hệ thống này là một bước đi hợp lý, liên quan đến việc gia tăng các mối đe dọa chiến lược đối với cân bằng hạt nhân thế giới, khi Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và hiện đại hóa lực lượng tên lửa hạt nhân. Đây chính là lý do Mỹ rời khỏi Hiệp ước Cấm phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Do đó, nước Nga phải nâng cấp lực lượng tên lửa hạt nhân vì an ninh của chính mình, để duy trì sự cân bằng hạt nhân.
Chính phủ Nga ngày 5-5 thông báo, đã phê chuẩn dự luật đưa Moscow rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở và sẽ trình văn kiện này lên Tổng thống Putin. Theo thủ tục pháp lý, Tổng thống Putin sau đó sẽ trình dự luật lên Quốc hội Nga để thảo luận, thông qua và cuối cùng ký thành luật, chính thức đưa Moscow rút khỏi hiệp ước trên (cho phép các quốc gia thành viên công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau), sau bước đi tương tự của Mỹ hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia vào những cuộc trao đổi kiểm soát vũ trang, đồng thời khẳng định Nga sẵn sàng thảo luận về cả hệ thống phòng thủ và tấn công. Tổng thống Putin cũng cho rằng, Nga luôn cởi mở với sự hợp tác quốc tế rộng rãi, đặc biệt theo các cơ chế của Liên hiệp quốc.
Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn do bị áp đặt các lệnh trừng phạt về kinh tế của Mỹ và phương Tây, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế, nhưng về cơ bản, Nga đã đứng vững và không ngừng đầu tư để nâng cao năng lực quốc phòng, giúp uy tín của nước này thêm nặng ký trên trường thế giới.