Phải nói rằng, SEA Games năm nay là một trong những kỳ thi đấu đáng nhớ nhất của tất cả các đoàn thể thao. Chúng ta cũng vậy. Không phải tham dự với số đông VĐV nhất từ trước tới nay nhưng Việt Nam có thể tự hào, những môn thể thao thuộc nhóm Olympic đã thi đấu đều đạt kết quả khả quan.
Điểm sáng Nguyễn Thị Huyền
11 chiếc HCV của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 28, thành tích ấn tượng nhất chắc chắn phải là Nguyễn Thị Huyền. Phải nói rằng, trước khi thi đấu SEA Games 28, ít ai nghĩ Huyền là người bứt lên mạnh mẽ đến vậy do sự chú ý được dồn về Quách Thị Lan. Ấy vậy, chân chạy của vùng quê Yên Minh (Ý Yên – Nam Định) lại tỏa sáng khiến cả đoàn thể thao ngỡ ngàng.
Cái ngỡ ngàng không phải vì Huyền đoạt HCV ở các cự ly 400m rào và 400m nữ mà cô đã đạt chuẩn Olympic trong các nội dung 400m rào và 400m nữ. Ở đây, chúng tôi không muốn nhắc nhiều tới chuyên môn bởi những gì các tuyển thủ điền kinh thi đấu tại SEA Games 28 đã được tỏ tường từ đầu tới cuối. Chỉ muốn vài lời chia sẻ rằng, Huyền là một cá nhân không phải dễ mà có.
Dù tập huấn ở Việt Nam nhưng Nguyễn Thị Huyền vẫn đem về thành tích tốt nhất tại SEA Games 28. Ảnh: Dũng Phương
Nhiều người không biết rằng, hầu hết quá trình tập luyện trước SEA Games 28, Huyền chỉ tập ở Việt Nam mà không thi đấu quốc tế. Nhẫn nại và bền bỉ tập luyện trong suốt thời gian ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Huyền đã chứng minh cho những đối thủ trong khu vực thấy rằng, thầy nội-trò nội của chúng ta vẫn có chuyên môn tốt. Còn nhớ năm 2011, đàn chị Trương Thanh Hằng đã nỗ lực và tuyệt vọng thế nào khi mọi cố gắng đều không thể đạt được 1 chuẩn Olympic 2012. Ấy vậy, chỉ trong quãng thời gian ngắn thi đấu tại Singapore năm nay, Huyền cùng lúc có 2 chuẩn Olympic và trong thế thi đấu ở cửa trên trước các đối thủ chứ không phải nhọc nhằn gì.
Hỏi ra mới biết, từ nhỏ, gia đình của Huyền cũng không mấy dư dả và phụ thuộc việc làm nông là chính nên chân chạy này quá quen với chuyện đồng áng. Tới bây giờ, nếu bảo Huyền xuống ruộng cấy lúa thì đó là một thách thức quá dễ. Ở tuổi 20 – cái tuổi phát triển nhất của 1 VĐV điền kinh – Huyền đã đạt 3 HCV ở SEA Games và giành 2 chuẩn Olympic. Đó là một thành công ngoài mong đợi.
Không bột khó gột nên hồ
Ngoài chiếc HCV của Huyền, điền kinh Việt Nam năm nay cũng không thể không nhắc tới những thành tích vô địch của Nguyễn Văn Huệ (10 môn phối hợp nam), Đỗ Thị Thảo, Dương Văn Thái (800m, 1.500m nam, nữ), Nguyễn Văn Lai (5.000m nam), Lê Trọng Hinh (200m nam)…
Theo đánh giá của Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 28-2015 – ông Trần Đức Phấn “năm nay, những cá nhân chúng tôi dự liệu đoạt HCV ở SEA Games 28 đã đạt con số chính xác tới 80%. Điều này có được nhờ sự chuẩn bị của từng môn và đặc biệt là những môn thể thao thuộc nhóm Olympic”. Điền kinh thi đấu mang về 11 HCV là thành tích ấn tượng nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, kết quả tranh tài ở một số nội dung với những chiếc HCB hay HCĐ đều là thành tích đáng ghi nhận. Chúng ta có thể kể tới HCĐ marathon nam của Hoàng Nguyên Thanh (sau 12 năm điền kinh marathon Việt Nam mới có huy chương ở SEA Games), HCV 200m của Lê Trọng Hinh (lần đầu điền kinh Việt Nam có HCV cự ly ngắn của nam) hay Nguyễn Thị Phương đã 2 lần thất bại ở SEA Games 2011 và 2013 thì lần này trở lại đầy thuyết phục ở 5.000m nữ và 3.000m chướng ngại vật. Họ cũng đều xuất phát từ gia đình làm nông nghiệp là chính.
Trước khi điền kinh thi đấu, hầu hết mọi sự quan tâm chỉ dồn về phía tổ 400m nữ. Mặc nhiên, các tổ khác đều không được nhắc tới. Đó là sự an toàn về thông tin để BHL có những giáo án tập luyện tốt nhất. Tập huấn nước ngoài hay trong nước, điểm mấu chốt vẫn nằm ở cá nhân VĐV. Thế nên, điền kinh có cơ sở để đặt chỉ tiêu từ 10 tới 12 HCV trước tranh tài và kết quả thu về rất khả quan.
NGUYỄN ĐÌNH