Thể thao Việt Nam có thể sẽ đạt được chỉ tiêu giành khoảng 15 suất tham dự Olympic, vì một số đội tuyển vẫn đang căng sức để tranh tài, giành lấy từng cơ hội nhỏ nhất để gia tăng quân số cho Đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường lớn. Thế nhưng, khi điền kinh chưa giành được suất chính thức, thể thao Việt Nam vẫn sẽ tiếc nuối vì giai đoạn phát triển cực thịnh vừa qua.
Môn thể thao nữ hoàng của Việt Nam sẽ tiếp tục loay hoay trong cuộc khủng hoảng của chính mình, dù ở 2 kỳ Olympic gần nhất, các tuyển thủ quốc gia liên tục tạo được dấu ấn: giành 2 suất chính thức đến Rio de Janeiro 2016, VĐV Quách Thị Lan sở hữu suất chính thức và lọt vào đến bán kết cự ly 400m rào nữ ở Tokyo 2020.
Điền kinh là môn thể thao danh giá nhất của Thế vận hội, bởi những thành công trên đường chạy, hố nhảy của điền kinh mang tính biểu tượng cho sức mạnh của một nền thể thao vì nó là sự kết tinh của sức mạnh thể chất và yếu tố tinh thần, nỗ lực tập luyện của VĐV không phân biệt quốc tịch, màu da. Bất kỳ quốc gia nào, muốn được xem là cường quốc thể thao, thì nhất định phải có những nhà vô địch thế giới ở môn điền kinh. Điều tuyệt vời hơn, điền kinh không dành riêng cho các cường quốc về kinh tế. Ở Tokyo 2020, có đến 43 đoàn thể thao đã có huy chương ở môn điền kinh, tức là có hơn 20% số đoàn dự Thế vận hội có VĐV bước lên bục trao giải, chia nhau 144 huy chương các loại ở môn này.
Thể thao Việt Nam đã mất gần 30 năm kể từ tấm HCV đầu tiên ở môn chạy vượt rào 110m của Vũ Bích Hường tại SEA Games 1991 để vươn lên đứng đầu SEA Games 2 kỳ liên tiếp (2019, 2021). Không có gì bất ngờ khi cùng với thắng lợi của điền kinh, Thể thao Việt Nam liên tục đứng đầu SEA Games để trở thành cường quốc thể thao khu vực. Những chiến thắng tại châu Á càng kích thích cho tham vọng vươn tầm thế giới. Chính vì thế, thất bại của điền kinh tại SEA Games 32, sau đó là Asiad 19 và có thể ở vòng loại Olympic cũng có thể được xem là “biểu tượng” của những thách thức mà Thể thao Việt Nam phải đối mặt trong nỗ lực duy trì vị thế khu vực và vươn tầm thế giới.
Nguyên nhân trước tiên đó là sự biến động quá nhanh về lực lượng, nhiều VĐV tài năng xin rút lui trong lúc thế hệ kế cận chưa kịp trưởng thành để kế thừa di sản đáng nể của thế hệ trước, khiến điền kinh rơi vào tình cảnh khó khăn. Nhưng sâu xa hơn, thì đó là hệ quả của việc khai thác quá mức những gì đang có mà lại thiếu đầu tư cho những hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.
Điền kinh từng là niềm tự hào của chúng ta về năng lực ý chí của con người Việt Nam, biến cái tưởng là không thể trở thành hiện thực. Nhưng hiện nay đây là môn thể thao đặt ra thách thức lớn nhất, mang tính thực tiễn, căn bản nhất cho chiến lược phát triển của Thể thao Việt Nam khi mà chúng ta không thể cứ dựa mãi vào nỗ lực của VĐV, trông đợi vào những tài năng bẩm sinh mà thiếu đi các giải pháp nâng chất lượng cho cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện, chế độ dinh dưỡng và hoạt động đào tạo nguồn nhân lực kế thừa.