Điện hạt nhân hồi sinh - Những chuyển động mới

Sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1 trong thảm họa kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản năm 2011, nhiều nước châu Âu đã quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, trước mục tiêu phải giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, nhiều quốc gia đang muốn đảo ngược xu thế.

Nhà máy điện hạt nhân tại Pháp. Ảnh: Jean-Marie HOSATTE/Gamma-Rapho
Nhà máy điện hạt nhân tại Pháp. Ảnh: Jean-Marie HOSATTE/Gamma-Rapho

LTS: Thiếu hụt nguồn cung năng lượng khiến năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại. Với nhiều nước, điện hạt nhân vừa là giải pháp ngắn hạn giúp sưởi ấm trong mùa giá rét, vừa là biện pháp bảo vệ dài hạn để tránh những biến động năng lượng trong tương lai.

Kiên trì theo đuổi

Theo quan điểm của Chính phủ Pháp, năng lượng hạt nhân có thể giúp Pháp và châu Âu đạt được các mục tiêu khí hậu, nhất là sản xuất hydro xanh cho lĩnh vực vận tải và công nghiệp. World Nuclear Association cho biết, điện hạt nhân chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện quốc gia của Pháp. Pháp còn là nước xuất khẩu ròng điện lớn nhất thế giới với doanh thu hàng năm lên đến 3 tỷ EUR (3,17 tỷ USD). Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Pháp được đưa vào hoạt động từ năm 1962. Năm 1973, khi các cuộc khủng hoảng về dầu mỏ ở Trung Đông nổ ra, đe dọa nguồn cung dầu trong khi nước này lại có rất ít nguồn năng lượng tự nhiên như than, dầu mỏ, Pháp quyết định khởi động thêm các chương trình hạt nhân lớn.

Đến nay, Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đang quản lý 59 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc. Theo thống kê của Ủy ban Chiến lược hạt nhân Pháp (CSFN), hiện tại, Pháp có hơn 2.500 doanh nghiệp với khoảng 220.000 nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Mạng lưới các nhà máy điện hạt nhân trải đều khắp vùng miền của quốc gia này và hoạt động kiểm tra mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân được thường xuyên tiến hành. Các cuộc thăm dò trong nhiều năm cho thấy, phần đông người Pháp ủng hộ điện hạt nhân.

Nhiều quốc gia như Hà Lan, Anh, Thụy Điển, Czech và Ba Lan cũng lựa chọn việc hồi sinh năng lượng hạt nhân.

Đi đầu trong năng lượng hạt nhân vũ trụ

Nằm trong tốp dẫn đầu về năng suất sản xuất điện hạt nhân trên thế giới, Nga cũng đang dẫn đầu về sản xuất năng lượng hạt nhân thế hệ mới trên toàn cầu. Với bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý, sử dụng năng lượng hạt nhân, Nga hỗ trợ xây dựng, vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Bangladesh, Ấn Độ và Ai Cập.

Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986, Nga thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn và các quy định về sự an toàn của các cơ sở hạt nhân; chú trọng công tác truyền thông, nhất là tại những địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân. Theo World Nuclear Association, Nga đang vận hành 36 lò phản ứng hạt nhân, chiếm 19,6% sản lượng điện quốc gia.

Song song đó, Nga thúc đẩy kế hoạch sản xuất nguồn điện hạt nhân thế hệ mới. Tháng 8-2024, Chính phủ Nga công bố kế hoạch theo đuổi chương trình điện hạt nhân không gian quốc gia, bao gồm việc phát triển và sản xuất các phương tiện phóng tiên tiến, tạo ra các module vận chuyển dựa trên nguồn năng lượng điện hạt nhân và xây dựng trạm quỹ đạo của Nga.

Nước này đang vận hành nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới - Akademik Lomonosov, cung cấp năng lượng cho khoảng 200.000 cư dân bằng công nghệ SMR ở Bắc cực. Nga còn có kế hoạch xây dựng thêm 5 nhà máy nổi phục vụ các mỏ dầu khí của Gazprom tại Bắc cực. Nhà máy điện hạt nhân nổi là giải pháp thay thế, đơn giản hơn việc xây dựng một nhà máy điện truyền thống, có biên độ an toàn lớn, tránh được sóng thần và thảm họa tự nhiên.

Theo ông Fatih Birol, Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tính đến cuối năm 2023, thế giới có 413 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với tổng công suất 371,5GW. Công suất này sẽ tăng lên 950GW vào năm 2050.

Trở lại cuộc đua

Cùng với sự hồi sinh của điện hạt nhân ở nhiều nơi trên thế giới, “cỗ máy” điện hạt nhân nước Mỹ cũng trở lại cuộc đua công nghệ sản xuất năng lượng sạch đầy tiềm năng sau thời gian tăng đầu tư cho dầu đá phiến. Ngày 30-11, hai công ty năng lượng Westinghouse Electric và CORE POWER công bố thỏa thuận hợp tác phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP), đánh dấu bước tiến mới của Mỹ trong lĩnh vực đang được Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Đây là lò phản ứng micro eVinci, có thể hoạt động liên tục 8 năm không cần nạp nhiên liệu. Trước đó, giới chức Mỹ đã giới thiệu kế hoạch táo bạo nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng hạt nhân từ nay đến năm 2050.

Hiện năng lượng hạt nhân cung cấp 20% nguồn điện của nước Mỹ. Các nhà máy điện duy trì hoạt động phần lớn nhờ vào các khoản trợ cấp của chính phủ. Theo World Nuclear Association, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về công suất điện hạt nhân, với 96 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, chiếm 30% sản lượng điện hạt nhân trên toàn cầu. Từ năm 2022, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) đã tăng đầu tư 6 tỷ USD để bảo tồn cơ sở hạ tầng hạt nhân năng lượng sạch. Cuộc khảo sát của Pew Research Center cho biết, năm 2024, khoảng 56% người Mỹ ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân, so với mức 43% vào 4 năm trước.

Tin cùng chuyên mục