Điện hạt nhân hồi sinh: Lựa chọn tất yếu cho an ninh năng lượng

Theo South China Morining Post, trong số các dự án năng lượng hạt nhân đang được xây dựng trên toàn cầu, có tới 64% là ở châu Á. Các lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm phần lớn công trình mới được xây dựng trong khu vực và đang không ngừng tăng.

Khả năng sản xuất vượt trội

Nằm trong nhóm quốc gia sản xuất điện hạt nhân hàng đầu thế giới, từ những thành tựu ban đầu, Trung Quốc không ngừng tăng tốc phát triển kế hoạch sản xuất năng lượng hạt nhân thế hệ mới, như công nghệ lò phản ứng module nhiệt độ cao làm mát bằng khí, các lò phản ứng cỡ nhỏ cho nhà máy điện hạt nhân nổi.

C8a.jpg
Nhà máy điện hạt nhân ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Cuối tháng 7-2024, nước này khởi công mở rộng nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 4 đầu tiên trên thế giới sử dụng lò phản ứng làm mát bằng khí nhiệt độ cao Shidaowan (HTGR) ở tỉnh Sơn Đông. Dự án cũng mang lại ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường vì tương đương với việc bù đắp 11,5 triệu tấn than, hoặc 27,6 triệu tấn khí thải CO2 tiêu thụ hàng năm.

World Nuclear Association cho biết, hiện tại Trung Quốc có 56 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Theo Hãng tin Bloomberg, Trung Quốc vừa phê duyệt kế hoạch xây dựng kỷ lục lên đến 11 nhà máy phản ứng hạt nhân ở 5 tỉnh thành gồm: Giang Tô, Sơn Đông, Quảng Đông, Chiết Giang và Quảng Tây. Việc xây dựng dự kiến kéo dài trong 5 năm và tiêu tốn khoảng 220 tỷ NDT (31 tỷ USD). Trong đó, 6 lò phản ứng hạt nhân sẽ do CGN Power Co., đơn vị niêm yết thuộc Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN) xây dựng.

Trung Quốc khởi động chương trình hạt nhân bằng cách mua lò phản ứng từ Pháp, Mỹ và Nga, sau đó chế tạo lò phản ứng riêng mang tên Hualong (hợp tác với Pháp). Được chính phủ hỗ trợ, cho phép xây dựng nhiều lò phản ứng với chi phí thấp, nước này liên tục cải tiến các thiết bị điện hạt nhân then chốt trong nước tự phát triển, đẩy mạnh năng lực sản xuất thiết bị điện hạt nhân và khả năng đảm bảo chuỗi công nghiệp liên quan.

Trung Quốc dự kiến dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt điện hạt nhân vào năm 2030. Theo CNEA, sản lượng điện hạt nhân của nước này dự kiến chiếm 10% tổng sản lượng điện vào năm 2035, giúp nâng cao tầm quan trọng của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, qua đó thúc đẩy chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng ít carbon.

Đảo ngược chính sách

Ấn Độ đang vận hành 23 lò phản ứng điện hạt nhân, với tổng công suất 7.425MW, 7 lò phản ứng điện hạt nhân đang xây dựng, tiến tới cung cấp 25% sản lượng điện năng từ điện hạt nhân vào năm 2050. Từ năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đặt năng lượng hạt nhân lên hàng ưu tiên trong chính sách phát triển năng lượng quốc gia. Tháng 11-2022, Bộ Môi trường, Lâm nghiệp và Biến đổi khí hậu Ấn Độ ban hành chiến lược phát triển carbon thấp dài hạn đã được sửa đổi, bao gồm mục tiêu tăng gấp 3 công suất điện hạt nhân vào năm 2032.

Đầu năm nay, Chính phủ Ấn Độ lần đầu tiên tuyên bố sẽ mời các công ty tư nhân đầu tư khoảng 26 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân, để tăng lượng điện từ các nguồn không phát thải CO2. Khoản tài trợ này dự kiến giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu có 50% công suất phát điện dùng nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030, tăng từ mức 42% hiện nay.

Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây cũng đảo ngược chính sách về điện hạt nhân. Theo đó, Seoul đang tìm kiếm sự kết hợp cân bằng giữa sản xuất điện, gồm cả năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Không những vậy, xứ kim chi còn nối lại việc xây dựng các dự án hạt nhân cũ, cũng như xem xét xây dựng các nhà máy mới. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc cho biết, nước này sẽ mở rộng việc sử dụng điện hạt nhân làm nguồn năng lượng sạch.

Trong khi đó, Nhật Bản đã sửa đổi hướng dẫn “Đấu giá nguồn điện khử carbon dài hạn”, theo đó tăng chi phí cho các biện pháp an toàn phục vụ việc khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân; khuyến khích đầu tư vào các nguồn điện khử carbon; thiết lập cơ chế chi cho các nhà bán lẻ điện. Với tiêu chí đặt an toàn lên hàng đầu, nước này chú trọng hơn các biện pháp đối với nhiên liệu đã qua sử dụng, thúc đẩy chu trình nhiên liệu hạt nhân, thực hiện khảo sát để chọn nơi xử lý cuối cùng cho chất thải phóng xạ mức độ cao và giải quyết các vấn đề liên quan đến vận hành lâu dài.

Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), các nhà kinh tế ước tính, mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng có thể cứu được hơn 800.000 năm tuổi thọ nhờ giảm ô nhiễm không khí. Trên toàn cầu, việc giảm 389 nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Chernobyl khiến các quốc gia mất đi 318 triệu năm tuổi thọ dự kiến, trong đó riêng Mỹ mất 141 triệu năm.

Tin cùng chuyên mục