
Các nhà máy điện hạt nhân đang là chuyện thời sự vì chúng không thải CO2 làm cho trái đất nóng dần lên. Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân có một khía cạnh ít được người dân biết đến: các nhà máy điện loại này cần rất nhiều nước để giữ cho các lò phản ứng hoạt động ở một nhiệt độ an toàn và đây cũng là mặt yếu ảnh hưởng lớn đến môi trường.
17 lò hạt nhân của Pháp đã từng khốn đốn

Biểu tình chống việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Bulgaria
Pháp là nước phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào (80% lượng điện tiêu thụ do các nhà máy điện hạt nhân cung cấp). Nhiều người cổ vũ cho chuyện này. Họ nói rằng đây là một mô hình tốt sản sinh ra đủ điện giá rẻ và đáng tin cậy để bán phần thặng dư ra nước ngoài, trong khi vẫn giảm được lượng khí thải CO2. Nhưng nắng nóng (do hiệu ứng nhà kính) đã và đang làm cho mô hình Pháp đứng trước nguy cơ phá sản.
Mùa hè năm 2003, nắng nóng lên mức kỷ lục, nhiệt độ của một số con sông tăng cao, khiến 17 lò phản ứng hạt nhân của Pháp đã phải giảm mức sản xuất hoặc đóng cửa. Pháp buộc lòng phải mua điện của các nước láng giềng trên thị trường tự do, nơi vì nhu cầu tăng, giá của một MW giờ điện vọt lên tới mức kinh khủng: 1.000 euro (1.350 USD).
Đợt nắng nóng năm 2003 đã khiến cho Công ty Điện lực Pháp thiệt hại 300 triệu euro, bởi không được phép tăng giá bán điện.
Các quan chức Công ty Điện lực Pháp cho biết họ đã chuẩn bị đối phó cho việc nắng nóng dữ dội có thể sẽ quay lại trong mùa hè năm nay. Nhưng Philippe Huet, phó tổng giám đốc điều hành công ty, nói thêm: “Chúng tôi không thể loại trừ các khó khăn nếu như hè năm nay nóng hơn và khô hơn”.
- Cảnh báo thiếu nước
Tháng tư năm 2007, các nhà khoa học thuộc một nhóm liên chính phủ nghiên cứu về sự thay đổi khí hậu đã cảnh báo các chính phủ châu Âu rằng băng đá đang tan, tuyết bớt rơi và nhiệt độ cũng đang lên. Tất cả sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nước nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Ở các nước như Mỹ, Australia, một số quan chức và nhà điều hành nhà máy điện đã cảnh báo nguy cơ thiếu nước nếu xây dựng nhà máy tại những nơi khan hiếm nguồn nước.
Các chính phủ và ngành năng lượng mới bắt đầu xem xét đến nhược điểm “phàm uống nước” của các nhà máy điện hạt nhân. Nếu vấn đề này được chứng minh là nghiêm trọng thì xu hướng đề cao năng lượng hạt nhân sẽ sớm bị xẹp. |
Chính phủ Australia thì dự tính sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Điều này làm nổ ra các tranh cãi gay gắt nhất về việc có nên sử dụng năng lượng hạt nhân hay không. Năm ngoái, các nhà chính trị của bang Queensland đã giao cho một nhóm nghiên cứu tìm hiểu về vấn đề này. Báo cáo của nhóm nghiên cứu kết luận rằng có rất ít địa điểm dọc bờ biển còn trống để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo: việc xây dựng các nhà máy trong nội địa sẽ là một mối hiểm nguy lớn cho việc cung cấp nước uống cho người dân, bởi Australia là nước luôn bị hạn hán đe dọa.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Về mặt lý thuyết, hai nước này có thể đặt nhà máy tại các vùng duyên hải. Nhưng một lượng điện khá lớn sẽ bị hao hụt khi truyền tải từ các vùng biển vào các thành phố nằm sâu trong nội địa. Chi phí vận hành các nhà máy như thế sẽ khá cao; thu chưa chắc đã đủ để bù chi.
Thụy Anh
(theo New York Times)