Diễn đàn “Xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước”: Quy hoạch, khai thác hợp lý lợi thế sông Sài Gòn

LTS: Sau khi Báo SGGP đăng bài phản ánh cùng những ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp về công viên Bến Bạch Đằng và những vấn đề xoay quanh việc xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước, để người dân có không gian công cộng và được hưởng lợi từ thiên nhiên, Báo SGGP đón nhận thêm nhiều ý kiến quan tâm. Báo SGGP xin tiếp tục giới thiệu những ý kiến này.

* KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TPHCM:

Quý trọng từng mét vuông bờ sông

Sau khi công viên Bến Bạch Đằng được đưa vào sử dụng, mọi người đều nhận thấy có sự khang trang, không còn tình trạng mất trật tự cũng như tệ nạn trộm cướp tài sản như trước. Tuy nhiên, từ công viên Bến Bạch Đằng cũng đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Người dân chủ yếu đến đây vào buổi sáng và buổi chiều để tập thể dục.

Đối với thời tiết của TPHCM, sự biến đổi của khí hậu ngày càng nóng lên thì sẽ không ổn. Thực tế cho thấy, phố đi bộ Nguyễn Huệ phải bổ sung rất nhiều cây xanh. Bài học từ phố đi bộ Nguyễn Huệ buộc chúng ta phải tính đến phương án trồng nhiều cây xanh cho công viên Bến Bạch Đằng cũng như các công viên khác sau này.

Ngoài ra, người dân đến công viên có nhiều mục đích khác nhau. Ở công viên đã có những gì để đáp ứng nhu cầu người dân? Chúng ta phải tính đến tương lai xa, khi hết dịch Covid-19, du khách đến TPHCM sẽ ra công viên. Chính vì vậy, chúng ta cần nghĩ đến phương án bổ sung các dịch vụ, tiện ích thiết thực và hấp dẫn để thu hút du khách. 

Khi nói đến TPHCM, ai cũng nghĩ đến một đô thị sông nước. Chúng ta có hàng chục đến hàng trăm kilômét bờ sông Sài Gòn hay các kênh rạch khác. Chúng ta đã có quy hoạch lộ giới bờ sông để dự kiến làm cảnh quan, nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề về phát triển kinh tế; trong khi trên thế giới, vấn đề này rất quan trọng. Thực hiện vấn đề này sẽ giúp chúng ta có vốn xã hội hóa, vì Nhà nước không thể bỏ ra ngân sách để làm hàng trăm kilômét hai bờ sông và kênh rạch. 

Diễn đàn “Xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước”: Quy hoạch, khai thác hợp lý lợi thế sông Sài Gòn ảnh 1 Sông Sài Gòn, đoạn chảy qua quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bên cạnh đó, sau khi các công viên bờ sông đi vào hoạt động sẽ tạo ra một nguồn thu GDP cho thành phố. Muốn như vậy, chúng ta phải có chiến lược, có những quy hoạch cảnh quan bờ sông, văn hóa bờ sông cũng như kinh tế bờ sông. Hiện tại, quỹ đất của thành phố không còn nhiều; chính vì vậy, chúng ta phải biết quý trọng từng mét vuông bờ sông, biết sử dụng, biến nó “đẻ” ra tiền. 

* Kỹ sư TRẦN VĂN TƯỜNG, phường Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức, TPHCM:

Tổ chức lại không gian hai bên bờ sông Sài Gòn 

Sông Sài Gòn có đặc điểm độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị. Nên chăng hướng đến đổi mới tư duy phát triển đô thị, trong đó có công tác lập quy hoạch kết hợp vận dụng đặc trưng sông Sài Gòn để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, cuộc sống cư dân địa phương.

Sắp tới chắc hẳn thành phố sẽ tiếp tục thi công phần còn lại, việc mở rộng công viên Bến Bạch Đằng còn là cơ hội thuận lợi kết hợp tổ chức lại không gian hai bên bờ sông Sài Gòn có cảnh quan độc đáo và thông suốt từ đầu đến cuối. 

Trước tiên làm bờ Đông từ TP Thủ Đức và bờ Tây từ quận Bình Thạnh đến quận 4 được thông suốt, có dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, nên bố trí nơi tổ chức các sự kiện, chương trình cuối tuần, các màn biểu diễn nghệ thuật… Tạo thêm điểm nhấn cho hai bên bờ sông, đa dạng các loại hình sinh hoạt ấn tượng với chức năng giao thông chính là đi bộ kết hợp giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, cần dành một phần không gian tạo biểu tượng thương hiệu thành phố, có bảo tàng trưng bày các tư liệu liên quan đến lịch sử khai phá và phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định.

* Ông NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG, hướng dẫn viên du lịch, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM:

Cải tạo kênh, giữ sạch đẹp mặt nước

Cảnh quan sông nước TPHCM mang lại nhiều lợi ích cho người dân, du khách, do vậy rất cần phát huy ý thức giữ gìn và tôn tạo những gì đã có. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút du khách trong thời gian tới.

Chẳng hạn như trước đây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nổi tiếng nhếch nhác, nhưng nay đã “lột xác”, thu hút nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan, thưởng thức các tiết mục âm nhạc truyền thống trên kênh. Hay như kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng đã “thay da, đổi thịt”, với cảnh quan nhộn nhịp hai bên bờ… 

Trước dịch Covid-19, tôi thường đưa khách quốc tế cũng như bà con Việt kiều trải nghiệm các tuyến du lịch đường sông. Hầu hết đều cảm thấy thú vị khi vừa được ngắm cảnh, vừa nghe các làn điệu dân ca, trải nghiệm ẩm thực vùng miền… Nhưng cũng có lần khách giật mình bởi các bọc rác, chai nhựa đủ loại “từ trên trời” rơi xuống, may là không trúng người.

Thêm vào đó, do sông Sài Gòn chảy qua nhiều quận, huyện, nên rác thải thường bị lục bình cuốn đi. Nếu để ý sẽ thấy, có một số hộp xốp, chai nhựa đủ loại nằm cạnh các đám lục bình lớn ngay công viên Bến Bạch Đằng. Do đó, song song với việc trục vớt lục bình, rác thải, các cơ quan chuyên trách cũng cần tăng cường truyền thông nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân.

Tin cùng chuyên mục