Diễn đàn về cắt giảm chi phí cho logistics ở Việt Nam

Sáng nay 26-11 tại Hà Nội, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 được Bộ Công thương tổ chức là sự kiện lớn thường niên về ngành dịch vụ logistics, thu hút sự quan tâm của hơn 50 tổ chức quốc tế, hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, sản xuất, xuất nhập khẩu và các bộ ngành liên quan.
Khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020

Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên lớn nhất về ngành dịch vụ logistics do Bộ Công thương chủ trì tổ chức từ năm 2013 tới nay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn này

Tham dự diễn đàn năm nay có Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cùng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và đại diện của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về logistics…

Diễn đàn về cắt giảm chi phí cho logistics ở Việt Nam ảnh 3 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu chụp ảnh tại diễn đàn

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, việc triển khai và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề chi phí logistics đã được nêu lên nhiều năm qua nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn. 

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng. Bộ Công thương đang cùng các bộ ngành, địa phương nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, qua đó tận dụng hiệu quả các FTA mới, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng. 

Cắt giảm chi phí logistics đang là chủ đề mà Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp quan tâm nhằm giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đồng thời phục hồi đà tăng trưởng bị sụt giảm do tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng giải pháp cạnh tranh của logisitcs Việt Nam là phải cắt giảm chi phí

Riêng đối với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: (i) cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; (ii) cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. 

Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.

Do đó, diễn đàn năm nay, ngoài phiên toàn thể với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế" còn có hai hội thảo chuyên đề về: “Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội” và “Chuyển đổi số trong logistics”.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước đối thoại với các bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics lâu nay, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics, giúp chúng ta có được câu giải đáp thích đáng cho “bước nhảy” về dịch vụ logistics của Việt Nam, để có thể thay đổi về “chất”, phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới, nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mang lại.

Tin cùng chuyên mục