Đầu tư chưa tương xứng
Đến tham dự sự kiện, về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Về phía Lào, có Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone.
Nhìn nhận về dư địa thị trường tại Lào, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, Lào là thị trường tiềm năng rất lớn với doanh nghiệp (DN) TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung nhưng khai thác còn hạn chế. Thống kê cho thấy, Lào đang là quốc gia đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam trong tổng số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà DN Việt Nam đang đầu tư. Hiện Việt Nam có 240 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn 5,3 tỷ USD. Trong đó, riêng TPHCM đang có 44 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn 500 triệu USD.
Việc Chính phủ hai nước đã áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư linh hoạt, miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa cho DN hai nước đã tạo điều kiện rất thuận lợi để DN đầu tư và phát triển mở rộng thị phần. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM, cho biết, đơn vị đang xúc tiến triển khai chương trình xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều với đối tác của Lào. Thông qua hệ thống bán lẻ, hàng hóa Việt Nam sẽ được hỗ trợ phân phối tiêu thụ tại Lào và ngược lại.
Bà Hứa Thị Bích Thu, đại diện Tập đoàn Indochina Holding, chia sẻ, DN mong muốn đầu tư dự án trồng cây cao lương và xây dựng nhà máy nông sản với tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng tại tỉnh Xê Công. Đơn vị này cũng huy động 2.000 tỷ đồng để đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân golf và khách sạn 5 sao tại TP Viêng Chăn. Hay như trường hợp Công ty cổ phần Dịch vụ Mekong Logistics muốn đầu tư lĩnh vực logistics, nhất là đầu tư tại các cửa khẩu giữa Lào với các nước trong khu vực. Thế nhưng hầu hết các DN chưa nắm bắt được chính sách ưu đãi đầu tư cũng như thiếu thông tin nhu cầu đầu tư cụ thể trong từng lĩnh vực ở Lào. Do vậy, DN Việt Nam mong muốn Chính phủ Lào công bố chính sách, lĩnh vực ưu đãi đầu tư rõ ràng hơn nữa.
Tại diễn đàn, các tỉnh thành, DN của Lào với DN Việt Nam đã ký kết 17 biên bản hợp tác ghi nhớ (MOU) và 1 hợp đồng kinh tế với tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng. Theo đó, hai bên tập trung đầu tư tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng thủy điện, khoáng sản, thương mại, công nghệ thông tin, du lịch... |
Chia sẻ với những băn khoăn của DN Việt Nam, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Lào đang mở rộng khả năng thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Chính phủ đã cải cách toàn diện thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa thuận lợi, nâng cấp kết hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư mới hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics... Lào khuyến khích DN nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, chế biến nông sản. Chính phủ Lào cũng đã triển khai chương trình một cửa từ trung ương xuống từng địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho DN nước ngoài đầu tư tại Lào. Trong những dự án lớn có yếu tố đầu tư công, Lào ưu tiên hình thức DN nước ngoài liên kết với DN Lào để cùng đầu tư.
Chính phủ Lào cũng đề nghị DN Việt Nam tăng cường tham gia hỗ trợ Lào đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển kết nối Việt Nam - Lào; đề nghị Việt Nam sớm mở thêm nhiều chuyến bay từ Việt Nam đến các thành phố của Lào và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để hàng hóa Lào thuận lợi thông thương tại thị trường Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, nhiều dự án đầu tư của DN Việt Nam được Chính phủ Lào hỗ trợ đã đi vào hoạt động, đạt hiệu quả tốt, đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ Lào ghi nhận, đánh giá cao. Phải kể đến các dự án đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh của Việt Nam tại Lào; dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel… Tuy nhiên, những con số đầu tư, giao thương trên chưa tương xứng với mối quan hệ mật thiết giữa hai nước, nhất là khi TPHCM đã thiết lập mối quan hệ toàn diện với nhiều thành phố của Lào như Viêng Chăn, Savannakhet, Xiêng Khoảng… Do vậy, đề nghị DN hai bên cần tăng cường xúc tiến giao thương thông qua hội nghị, triển lãm, diễn đàn… để nâng chất hiệu quả hợp tác của DN hai bên. TPHCM sẽ khẩn trương triển khai các nội dung đã thống nhất giữa thành phố với thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasak, tỉnh Savannakhet mà hai bên đã ký kết.