Tìm kiếm giải pháp
Ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại và hội nghị quốc tế, cho biết, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5-2024 thể hiện rất rõ kỳ vọng của thành phố trong việc tập hợp, quy tụ ý kiến của các lãnh đạo tỉnh thành, quốc gia, các chuyên gia trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ thành phố xây dựng giải pháp phù hợp nhằm chuyển đổi công nghiệp nội tại, “bắt kịp” xu hướng phát triển kinh tế mới của toàn cầu. Cũng theo ông Lê Trường Duy, đã có hơn 40 đoàn địa phương và bộ ngành, cũng như các tổ chức quốc tế, chuyên gia xác nhận tham dự diễn đàn.
Về nội dung chính của diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, sự kiện quan trọng nhất là phiên toàn thể và phiên đối thoại chính sách với Chính phủ diễn ra ngày 25-9.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ nghe báo cáo về các chủ đề: xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TPHCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại TPHCM gắn liền với chuyển đổi công nghiệp.
Còn với phiên đối thoại chính sách là cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Chính phủ và các bộ ngành về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia.
Thúc đẩy hợp tác quốc tế
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5-2024, ngày 23-9, diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Belarus đã diễn ra. Các doanh nghiệp Belarus được kết nối giao thương trực tiếp với hơn 50 doanh nghiệp lớn tại TPHCM để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, giao thương, xuất nhập khẩu. Tiếp đến, ngày 24-9 sẽ diễn ra Hội nghị Thị trưởng.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM Phạm Bình An cho biết, tại hội nghị này, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng quan về chuyển đổi công nghiệp tại TPHCM và cùng nhau thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương ở các nước trên thế giới. Nội dung sẽ tập trung kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực (tài chính, nhân lực…). Các đại biểu cũng sẽ đánh giá những khó khăn, thách thức của TPHCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với thành phố.
Sau những hoạt động trải nghiệm nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, ngày 26-9, các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần 5-2024 tham quan thực tế tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) hoặc Khu Công nghệ cao TPHCM. Tại đây, các bên sẽ cùng nhau trao đổi tình hình sản xuất cũng như định hướng chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi xanh, gặp gỡ các doanh nghiệp. Từ đó, mở rộng sự kết nối, giao lưu hợp tác giữa các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia… với doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng trong khuôn khổ diễn đàn, vào ngày 6-10, chương trình Talkshow với Giáo sư Klause Schwab - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với chủ đề “Kinh tế tri thức - nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ” sẽ được tổ chức tại TP Thủ Đức (TPHCM), qua đó làm rõ các tiềm năng, lợi thế và vai trò của nguồn nhân lực trẻ trong nền kinh tế tri thức.
Ngày 23-9, lễ khai mạc “Những ngày Minsk tại TPHCM” và “Diễn đàn Doanh nghiệp Belarus - Việt Nam” do UBND TPHCM phối hợp thành phố Minsk tổ chức đã diễn ra và thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp của hai nước. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện thành phố đang áp dụng các cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư, hướng tới trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á và điểm đến hấp dẫn toàn cầu; mong muốn các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, tăng trưởng xanh, y tế và giáo dục. TPHCM cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp quốc tế phát triển bền vững tại Việt Nam.