Con dao hai lưỡi
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga. Ông nhận xét tốc độ và khối lượng của các lệnh trừng phạt chống lại Moscow là chưa từng có tiền lệ và phần nhiều được thực hiện một cách vội vàng. Do đó, cuộc chiến trừng phạt “chớp nhoáng” đã không thành công, những dự đoán u ám về nền kinh tế Nga đã không trở thành hiện thực, những nỗ lực cô lập và loại bỏ Nga cũng không mang lại kết quả.
Đề cập tới Liên minh châu Âu (EU), nhà lãnh đạo Nga cho rằng, các chính trị gia châu Âu đã “gậy ông đập lưng”, tự giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của nước họ khi thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga. Các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự đặc biệt nào, nhưng lạm phát ở mức cao. Những thiệt hại trực tiếp có thể tính được của EU do áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ lên tới 400 tỷ USD.
Tổng thống Nga khẳng định, vũ khí trừng phạt là con dao hai lưỡi và Nga sẽ đương đầu với bất kỳ thách thức nào. Trong bối cảnh phải đối phó với các biện pháp trừng phạt chưa từng có, ngân sách của Nga vào năm 2022 vẫn sẽ có được khoản thặng dư 3.000 tỷ rouble (52 triệu USD). Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận, các lệnh trừng phạt làm gia tăng lạm phát và chính phủ đã nỗ lực hết sức để kìm chế, nhưng vẫn còn ở mức cao. Tổng thống Vladimir Putin chỉ đạo chính phủ bỏ các kế hoạch thanh tra, kiểm tra không cần thiết, không thực hiện các bước đi cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng đưa ra lời khuyên các doanh nhân nên đầu tư vào dự án nội địa. Nền kinh tế Nga sẽ dựa trên sự cởi mở trong quá trình phát triển, không tự cô lập và sẽ mở rộng hợp tác với những nước muốn cùng làm việc.
Nhiều cơ hội hợp tác mới
Theo Hãng tin Sputnik, bất chấp áp lực trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đại diện của hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia SPIEF 2022, diễn ra từ ngày 15 đến 18-6 tại Nga. Với chủ đề “Thế giới mới - Cơ hội mới”, các phiên thảo luận tại diễn đàn tập trung vào các vấn đề liên quan đến nền kinh tế toàn cầu, lạm phát, cấm vận dầu mỏ, biến động trên thị trường ngoại hối, số hóa và bảo mật thông tin, an toàn dược phẩm.
SPIEF 2022 tổ chức nhiều cuộc đối thoại kinh doanh xuyên quốc gia với các đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Á, Mỹ Latinh; thảo luận về chủ đề tăng cường hoạt động kinh tế thương mại giữa Nga và các nước như Trung Quốc, châu Phi, Ai Cập, Mỹ Latinh và Iran. Ngoài ra, còn có các phiên thảo luận dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, diễn đàn kinh tế thanh niên quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp sáng tạo, an ninh thuốc, đối thoại trẻ em... Trong khuôn khổ diễn đàn, hàng loạt chương trình hợp tác giữa Nga và các đối tác lần lượt được ký kết.
Một trong những chủ đề gây chú ý tại diễn đàn là phiên thảo luận về kinh tế Nga ứng phó với các lệnh trừng phạt, khi giới chuyên gia đưa ra các luận điểm gợi mở khái niệm phát triển kinh tế Nga trong thời kỳ mới. Các đại biểu đều có chung đánh giá chỉ số dự báo nền kinh tế đang được cải thiện, mà theo đó Bộ Phát triển Kinh tế Nga có thể sẽ điều chỉnh tầm nhìn để phát triển nền kinh tế theo hướng tích cực hơn. Những phát biểu mang tính gợi mở của giới chức Nga khiến dư luận cho rằng sẽ có một sự định hướng lại nền kinh tế, nước Nga sẽ đầu tư vào sản xuất và tiêu dùng trong nước, thay vì chú trọng vào xuất khẩu như hiện nay.