Từ ngày 8 đến 12-9, diễn ra loạt các hội nghị thường niên do Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức, trong đó có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). ARF là hội nghị an ninh thường niên lớn nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quy tụ các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ 27 quốc gia. Đây cũng là một trong những hội nghị quốc tế hiếm hoi mà Triều Tiên tham dự đều đặn.
Cơ hội của Hàn Quốc
Dự kiến, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ xem xét thông qua: Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-53; các kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 giữa ASEAN với 7 đối tác gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, New Zealand và Canada; Kế hoạch Hành động Hà Nội II cho ARF (2020-2025); Các tuyên bố riêng về phòng chống sự bùng phát của dịch bệnh truyền nhiễm, điều trị cho trẻ em bị tuyển dụng hoặc có liên quan tới các nhóm khủng bố và bạo lực cực đoan, bảo vệ an ninh trong kinh tế số…
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha sẽ tham dự loạt hội nghị thường niên do Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức. Do dịch Covid-19, các cuộc họp năm nay tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ngoại trưởng Hàn Quốc có kế hoạch trình bày về sự cần thiết tăng cường tình đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19, cũng như các vấn đề khu vực chủ chốt khác như đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông và hợp tác với ASEAN theo Chính sách hướng Nam mới của Seoul.
Ngày 7-9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay nước này sẽ thông qua ARF nhằm gửi tới Triều Tiên thông điệp về việc cần sớm nối lại đàm phán hạt nhân. Trả lời phỏng vấn của báo chí, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, Hàn Quốc có kế hoạch thông qua ARF, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các hội nghị liên quan khác nhằm tái khẳng định cam kết đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng trở lại đàm phán.
Quan chức này nói rõ Hàn Quốc đang nỗ lực gửi thông điệp rằng vấn đề then chốt là đưa Triều Tiên trở lại lộ trình đàm phán và đang thảo luận để tái khẳng định các nỗ lực quốc tế hướng tới phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên, mang lại tiến triển thực sự cho một nền hòa bình lâu dài.
Uy tín của ASEAN
Quan hệ ASEAN - Hàn Quốc đã phát triển đáng kể kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in khởi động Chính sách Hướng Nam Mới (NSP). Với ý định nâng tầm quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN lên tầm các cường quốc, Tổng thống Moon đã trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đến thăm tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN. Hàn Quốc cũng trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN tổ chức ba Hội nghị cấp cao kỷ niệm với ASEAN vào năm 2019.
Theo East Asia Forum, trong bối cảnh các cường quốc tầm trung trong khu vực đang bị hỗn loạn trước sự cạnh tranh gây thế lực của các cường quốc, ASEAN và Hàn Quốc có cùng lợi ích và quan điểm về nhiều vấn đề chiến lược, chẳng hạn như bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in từng tuyên bố, ASEAN và Hàn Quốc đang làm việc cùng nhau để “giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên vì hòa bình và ổn định khu vực”. Trong khi các cuộc đàm phán cấp độ làm việc Triều Tiên - Mỹ không dễ dàng, suôn sẻ, thì Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh sự sẵn sàng làm việc của nước này trong ARF để đạt được “hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực”. Tuyên bố đánh giá cao “sự công bằng của ASEAN trong việc đối xử với nước này sau Hội nghị các quan chức cấp cao ARF (SOM) vào tháng 7-2020 vừa qua.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có tham dự ARF năm nay hay không. Tuy nhiên cho đến nay, những nỗ lực của ASEAN trong việc giữ Triều Tiên trong ARF, ngay cả khi các lời kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Triều Tiên rất mạnh mẽ, là một minh chứng cho nhận định trên của Triều Tiên.