Tham dự lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Thị Kim Loan; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang, Trưởng Ban Tổ chức diễn đàn.
ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm với gần 60.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình hàng năm có khoảng 400 - 500 dự án khởi nghiệp. Đây còn là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 1/3 tổng GDP nông nghiệp cả nước.
Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu bức thiết về chuyển đổi nền kinh tế. Trong đó, chuyển đổi nông nghiệp cần phải giữ vị trí trung tâm theo định hướng bền vững và đổi mới sáng tạo.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang, điểm mới nhất của diễn đàn lần này là Đồng Tháp sẽ khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong, với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
Diễn đàn sẽ tạo một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình để Đồng Tháp cùng các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, để góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng ĐBSCL.
Theo ông Quang, thông qua các hoạt động của diễn đàn để kết nối nguồn lực và thị trường nhằm hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL; đồng thời tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Với quy mô mở rộng, đổi mới so với diễn đàn lần I, Diễn đàn Mekong Startup - Lần II năm 2024 bao gồm chuỗi các hoạt động thiết thực kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024.
“Những nội dung, hoạt động của Diễn đàn lần II đều nhằm giúp các Startup phát huy vai trò, vị trí; cất lên tiếng nói để tháo gỡ các điểm nghẽn, đề xuất những giải pháp và phát triển công nghệ mới để phát huy giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, đáp ứng được nhu cầu và đón đầu xu thế phát triển của thế giới”, ông Quang cho hay.
Tại diễn đàn, diễn ra Vòng chung kết Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024, có sự tham gia sôi nổi của các bạn trẻ, với 136 dự án đến từ 18 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước. Qua các vòng thi, có 10 dự án xuất sắc nhất được tranh tài tại vòng chung kết.
“Cuộc thi sẽ là nguồn cảm hứng để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp, các dự án khởi nghiệp sẽ không ngừng phát triển, đóng góp thiết thực, không chỉ giúp ích cho ĐBSCL mà còn lan tỏa rộng rãi trên toàn quốc”, ông Quang kỳ vọng.
Tại diễn đàn, nhiều mô hình, công nghệ mới theo hướng hiện đại, bền vững, phát thải thấp được giới thiệu. Nhiều sản phẩm công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp được các đơn vị, tổ chức giới thiệu, biểu diễn sinh động, trong đó có đại diện Công ty Shoes Agtech giới thiệu công nghệ Airboots – Robot siêu nhẹ chăm sóc lúa, với 3 tính năng bón phân, phun thuốc, gieo hạt; Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam giới thiệu nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số và các dữ liệu về phát thải khí nhà kính; Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ cùng Chủ tịch Hội nông dân xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) giới thiệu Giải pháp IMO – nông nghiệp, môi trường và khởi nghiệp xanh; đại diện Queen Farm và Agritech giới thiệu Giải pháp Quản lý nguồn lực cho mô hình Nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao.
Tại đây, còn diễn ra Triển lãm, trưng bày “Sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu và sản phẩm định hướng kinh tế xanh khu vực ĐBSCL”. Các sản phẩm tham gia trưng bày tại không gian triển lãm chủ yếu lấy cảm hứng từ nguồn tài nguyên bản địa đặc trưng, gắn với mỗi địa phương. Nổi bật có các sản phẩm gắn với chuỗi giá trị các ngành hàng như: Sen, lúa – gạo, cá tra, xoài…
Ngoài ra, không gian triển lãm còn có sự xuất hiện của các sản phẩm thân thiện với môi trường như: các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ lục bình, tre, mo cau. Cùng với đó, các công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp được trưng bày.
Trong chuỗi hoạt động của của diễn đàn còn có Tọa đàm “Kết nối - Vươn xa”, với 3 chủ đề: Các mô hình Nông nghiệp và sản xuất chế biến nông thủy sản theo định hướng kinh tế xanh tại ĐBSCL, Sáng kiến Du lịch xanh Mekong, Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời đại 4.0.
Phiên toàn thể của diễn đàn sẽ được khai mạc vào sáng mai 16-11, tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).