Đảm bảo giá trị an ninh hàng hải
Tham dự diễn đàn có đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu của Việt Nam, cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam cùng đại diện một số địa phương.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng theo hướng phân mảnh và phân cực ngày càng lớn, những gián đoạn lưu thông hàng hải như đang xảy ra ở Biển Đỏ sẽ có tác động to lớn đến các nền kinh tế và kết nối số của toàn cầu.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn về kết nối hàng hải, hứa hẹn đem đến sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, ông Nguyễn Minh Vũ cho biết, với tư cách là quốc gia thương mại, Việt Nam xem việc đảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế là điều cần thiết, một giá trị quan trọng. Là quốc gia ven biển, sử dụng biển, Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh vào kết nối hàng hải. Sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào an toàn, an ninh của các hành lang hàng hải. Việt Nam cam kết duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tin rằng việc tôn trọng UNCLOS 1982 là nền tảng để bảo đảm hòa bình, ổn định, trật tự trên biển và là phương thức giải quyết các tranh chấp trên biển phù hợp nhất.
Các phiên thảo luận bổ ích
Diễn đàn Đối thoại Biển lần thứ 12 diễn ra gồm 4 phiên với các chủ đề lần lượt là: “Kết nối các tuyến đường biển trọng yếu để đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu”, “Cảng biển thông minh bền vững: xu hướng không thể đảo ngược trong nền kinh tế biển xanh”, “ Kết nối hạ tầng trên biển trong kỷ nguyên số” và “Kết nối mạng lưới hành lang xanh trên không gian biển”.
Phiên đầu tiên tập trung thảo luận về tầm quan trọng của đảm bảo sự kết nối và khả năng phục hồi ở Biển Đông, các sáng kiến kết nối biển; giải pháp đảm bảo sự thông suốt hoặc ứng phó trong trường hợp các tuyến đường biển bị "phong tỏa"; tăng cường khả năng kết nối giữa Biển Đông và các tuyến đường biển khác tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.
Phiên thứ hai tập trung chia sẻ về những kinh nghiệm và thực tiễn hiệu quả về cách thiết lập mạng lưới cổng, cả bên trong và bên ngoài cũng như cách kết nối với thế giới thông qua mô hình cảng biển thông minh bền vững; xác định những yếu tố then chốt đảm bảo sự thành công của cảng thông minh và những trở ngại trong quá trình vận hành cảng biển thông minh; mô hình kết nối cảng biển tại khu vực và thế giới.
Phiên thứ ba thảo luận cách thức các quốc gia có thể ngăn chặn và chống lại các mối đe dọa mới nổi cũng như tận dụng công nghệ cao để đảm bảo kết nối đáng tin cậy và an ninh hàng hải.
Phiên thứ tư, cũng là phiên cuối cùng, tập trung trao đổi về chia sẻ kinh nghiệm và thách thức trong việc xây dựng hành lang xanh, đánh giá tác động của hành lang xanh; thảo luận về cách kết nối các hành lang xanh bằng cách tìm kiếm những con đường hoặc lĩnh vực mới thay vì lĩnh vực vận tải biển, nhằm tăng cường khả năng phục hồi và kết nối hàng hải (môi trường, chuyển đổi năng lượng…).
Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, nhiệm vụ của Diễn đàn là nhìn nhận tất cả khía cạnh của kết nối hàng hải, vạch ra các thách thức và rào cản, đồng thời cùng nhau đưa ra các ý tưởng đổi mới, đề xuất khả thi để thông qua đối thoại, hợp tác, có thể tạo ra con đường đi đến thiết lập một hệ sinh thái đại dương bền vững và thịnh vượng cho tất cả.