Diễn đàn Cha mẹ quyết định số con: Mức sinh thấp, hệ lụy lớn

LTS: Sau 30 năm thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện... Tuy nhiên, công tác dân số nước ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tốc độ già hóa nhanh; chênh lệnh lớn về mức sinh giữa các vùng miền…

Đáng lo ngại hơn, mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm mạnh nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Nếu không có giải pháp phù hợp và kịp thời, nước ta sẽ sớm đối mặt với tình trạng dân số già, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và duy trì giống nòi.

Cả nước hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tập trung ở vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL và một số tỉnh duyên hải miền Trung. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ là khu vực có tỷ lệ mức sinh giảm rất sâu. Nếu năm 1999, mức sinh ở khu vực này là 2,9 con/phụ nữ thì hiện còn 1,56 con/phụ nữ. Mức sinh thấp cũng xuất hiện ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như ở khu vực ĐBSCL, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.

Trăm nỗi lo nuôi nấng

Chập choạng tối một ngày cuối tháng 9, chúng tôi theo chân bà Trần Thị Mỹ Nương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TPHCM), tìm tới khu nhà trọ tại địa chỉ 127/6, ấp 5. Đúng lúc chị Võ Thị Chiêu Hiền (29 tuổi, quê Tiền Giang), công nhân Công ty CJ FOOD, Khu công nghiệp Long Hậu, vừa tan ca từ công ty về. Uống vội ly nước rồi chị lấy từ trong túi thiệp mời đám cưới của đồng nghiệp, quay qua nhìn chồng với nét mặt lo lắng: “Sắp đến ngày đóng tiền đầu năm học cho con, mà vợ chồng lại phải đáp lễ anh em đồng nghiệp, chắc tháng này âm lương rồi anh ơi, anh xem sao chứ em lo lắm”.

P1b.jpg
Bà Trần Thị Mỹ Nương, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM, thăm gia đình chị Võ Thị Chiêu Hiền. Ảnh: QUANG HUY

Thấm thoát gần 8 năm gắn bó với mảnh đất xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cũng là ngần ấy năm vợ chồng chị Hiền góp gạo thổi cơm chung. Chồng chị - anh Tuấn, làm cùng công ty, thu nhập mỗi tháng tròm trèm 9 triệu đồng. Trong khi đó, lương của chị Hiền khoảng 7 triệu đồng, có tháng công ty ít đơn hàng thì cộng lương cả hai chỉ được gần 10 triệu đồng. Từ khi sinh con trai, dù tằn tiện chi tiêu nhưng vợ chồng chị không khi nào có dư. Nhiều khi con đau ốm, chị phải vay mượn bạn bè để lo chi phí chữa trị.

Chị Hiền tâm sự: “Tiền thuê trọ 2,6 triệu đồng/tháng, tiền học cho con cũng hết 2 triệu đồng…, ráng gồng gánh cũng qua. Thế nhưng, điều khiến tôi lo nhất là khi bạn bè, người quen mời dự đám cưới, thôi nôi, có tháng nhận 2-3 thiệp mời. Lo thiếu trước hụt sau cứ luôn lởn vởn trong đầu. Đó là chưa kể lúc trái gió trở trời đau ốm bất thường thì không biết trông vào đâu. Giờ chỉ mong thành phố có chính sách hỗ trợ cho công nhân thuê mua nhà ở xã hội để chúng tôi an cư lập nghiệp là mừng lắm rồi, chứ không tha thiết gì chuyện sinh bé thứ 2”.

Cách phòng trọ vợ chồng chị Hiền khoảng 5 phòng, vợ chồng chị Trương Đoàn Hồng Hải (cùng 30 tuổi, quê Đồng Tháp) đang chuẩn bị bữa cơm tối. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hải rời quê đến lập nghiệp ở huyện Nhà Bè, hiện làm việc tại Công ty TNHH Dược An Thiên (Khu công nghiệp Hiệp Phước). Hai vợ chồng có 1 con trai (5 tuổi) phải gửi về quê nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Thu nhập chính của 2 vợ chồng hàng tháng khoảng 14 triệu đồng. “Xoay đi xoay lại, tiền nhà trọ, điện, nước, ăn uống, rồi phải chắt bóp gửi về quê lo cho con, đến tiền thuốc thang cho ba mẹ, có tháng hết sạch”, chị Hải kể. Chị bày tỏ: “Thân mình còn chưa lo xong, công việc bấp bênh, con phải gửi cho ba mẹ, chúng tôi còn tâm trí đâu để nghĩ tới chuyện sinh thêm con”.

Còn tại khu nhà trọ 648/14A ấp 9, xã Long Thới (huyện Nhà bè), chị Lý Thị Kiều My (38 tuổi, quê Cà Mau) lại có nỗi băn khoăn khi con gái đang học tiểu học chuẩn bị đến ngày đóng tiền trường. Chị chia sẻ, cuộc sống công nhân luôn gắn liền với chuỗi ngày ở trọ và chồng chất nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Lo nhất là doanh nghiệp không có đơn hàng thường xuyên, chị và đồng nghiệp có nguy cơ mất việc. Chia sẻ cùng chị My, bà Phạm Thị Út, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Thới (huyện Nhà Bè) nêu thực trạng, trong công tác vận động các gia đình trẻ sinh đủ 2 con trên địa bàn, câu hỏi bà nhận được nhiều nhất: lương công nhân “3 cọc, 3 đồng”, không có tích lũy, nếu sinh con tiếp theo thì lấy tiền đâu nuôi con?

Lo sự nghiệp, ngại vi phạm quy định

Với nhiều gia đình khác có công việc ổn định, mức thu nhập cao, khi nói đến chuyện sinh con, đa số cũng… cười trừ. Nhiều cặp vợ chồng trẻ cưới nhau 5-10 năm thậm chí còn trì hoãn việc sinh con, đợi đến khi “khám phá” hết thế giới mới tính chuyện con cái. Đang công tác tại một trường đại học lớn trên địa bàn TPHCM, chị T.U.L. (41 tuổi, ngụ phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức, TPHCM) chưa có ý định sinh con. Chị L. cho biết, thu nhập chính của 2 vợ chồng khoảng 60 triệu đồng/tháng, về kinh tế thì không phải lo quá nhiều, nhưng do quá bận rộn hết việc giảng dạy tại trường đến đi công tác nước ngoài, phải làm việc gần như không có ngày nghỉ nên vợ chồng chị L. thống nhất tập trung cho sự nghiệp trước.

P4d.jpg
Bà Phạm Thị Út, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Thới (bên phải, huyện Nhà Bè, TPHCM), thăm gia đình chị Lý Thị Kiều My. Ảnh: QUANG HUY

Tương tự, chị N.Đ.K.O. (33 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), có thâm niên hơn 10 năm công tác tại 1 trường tiểu học trên địa bàn quận 1 (TPHCM), đã kết hôn được 7 năm nhưng đến nay vẫn chưa sinh con. Chị O. cho rằng, khi sinh con thì phải lo cho con đầy đủ, không chỉ về vật chất mà còn phải dành thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái. Ngoài ra, chứng kiến anh chị trong gia đình nội ngoại sinh 1-3 con, gia đình nào cũng chật vật, có lúc lời qua tiếng lại gay gắt càng làm chị băn khoăn. “Tôi chứng kiến người thân trong gia đình khi sinh con ra nhưng không đủ điều kiện lo cho con rồi nảy sinh các cuộc cãi vã, giận hờn, thậm chí là dẫn đến ly hôn khiến tôi sợ khi nghĩ đến sinh con”, chị O. ngán ngẩm.

Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), tổng tỷ suất sinh năm 2022 ở nước ta đạt 2,01 con/phụ nữ; năm 2023 chỉ còn 1,96 con/phụ nữ. Trong khi đó, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế và duy trì nòi giống thì bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần có 2,1 con. Các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp đang có quy mô dân số khoảng 38 triệu người, chiếm khoảng 39% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.

Không chỉ những người đã lập gia đình, nhiều bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại TPHCM cho biết cũng rất ngại việc kết hôn và sinh con, với lý do muốn thăng tiến trong sự nghiệp, nuôi con quá vất vả. Chị N.T.N. (27 tuổi, quê Nghệ An), công nhân tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), cho biết, độ tuổi của chị ở quê nhiều người bị cho là ế. Tan ca, ghé chợ mua ít thực phẩm để chuẩn bị bữa cơm tối cũng đã 19 giờ.

Sau khoảng thời gian này, chị N. chủ yếu lướt Zalo, Facebook và tranh thủ ngủ sớm để lấy lại sức nên không còn thời gian nghĩ đến chuyện yêu đương. Không chỉ vậy, nhiều gia đình cán bộ, công nhân viên chức có đủ điều kiện nuôi con nhưng cũng không dám sinh con thứ 3 vì vướng các quy định của pháp luật. Anh Phạm Văn Đ., một cán bộ đang công tác trong ngành công an, tâm sự: “Gia đình muốn có đông con, đông cháu, nhưng sợ có con thứ 3 sẽ bị kỷ luật, nên đành rút lại ý định”.

Thống kê của Cơ quan Nhân tài và Dân số quốc gia Singapore năm 2023 cho thấy, số người từ 65 tuổi trở lên đã chiếm tới 19,1% dân số, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 11,7% trong năm 2013. Để ứng phó tình trạng tỷ lệ sinh giảm, nước này đã nới lỏng các quy tắc đông lạnh trứng và tăng gấp đôi thời gian nghỉ thai sản, sau khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục, chỉ 1,05 em bé/phụ nữ.

Tại Nhật Bản, dân số đến tuổi trưởng thành của nước này đạt mức cao nhất vào năm 1970 với 2,46 triệu người, sau đó giảm dần nhưng vẫn đạt mức 2 triệu người vào đầu những năm 1990, khi những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số lần thứ hai (baby boom - từ năm 1971 đến năm 1974) đến tuổi trưởng thành. Kể từ đó, con số này liên tục đi xuống.

Tin cùng chuyên mục