- TS-BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM: Nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp
UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch hoạt động công tác Dân số năm 2024, nhằm nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và thích ứng với già hóa dân số; tận dụng hiệu quả cơ cấu “dân số vàng” nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. TPHCM đặt chỉ tiêu tổng tỷ suất sinh là 1,36 con/phụ nữ; điều chỉnh mức sinh (+CBR) so với năm 2023 tăng 0,5 điểm ‰. Đồng thời tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) là 82%; tuổi thọ bình quân đạt 76,5 tuổi; quản lý, cập nhật 100% số bà mẹ mang thai, số trẻ sinh sống thực tế cư trú tại địa bàn.
Về lâu dài, Sở Y tế đã có tờ trình UBND TPHCM về phê duyệt Đề án các giải pháp tăng tổng tỷ suất sinh, quản lý sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2030, với 8 mục tiêu. Sở Y tế đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế… Đề án là cơ sở để triển khai các chương trình can thiệp cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số. Từ đó, giải quyết tình trạng mức sinh thấp, góp phần ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số của thành phố trong tương lai.
- ThS PHẠM CHÁNH TRUNG Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM: Đẩy mạnh tham vấn, truyền thông
Khi mức sinh thấp, bất lợi đầu tiên là sự thay đổi nhanh về cơ cấu dân số, kéo theo tốc độ già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí… Tiếp đến là sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, Trung Quốc thay thế chính sách 1 con được áp dụng từ năm 1980 bằng chính sách phổ cập 2 con vào năm 2016; và đến năm 2021, mỗi cặp vợ chồng được phép sinh 3 con.
Chính phủ Singapore đã trao tiền thưởng cho các gia đình sinh con. Từ năm 2024, khoản tiền thưởng này sẽ được tăng thêm. Các cặp vợ chồng sẽ được nhận 8.000 USD cho con đầu lòng, 10.000 USD cho con thứ 2 và 12.000 USD cho con thứ 3 trở lên.
Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch miễn phí giáo dục đại học cho các gia đình có từ 3 con trở lên. Nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật tăng trợ cấp hàng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi. Đây là một phần trong kế hoạch nhằm ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm tại quốc gia này.
Để triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con của UBND TPHCM, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, hội, đoàn đẩy mạnh Đề án tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; cung cấp kiến thức tiền hôn nhân cho người trẻ. Cùng với đó, ngành dân số phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM tiếp tục tổ chức hội thi tìm hiểu về các vấn đề dân số, trong đó có nội dung cung cấp kiến thức, thông tin về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn cho học sinh các trường THPT; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ tư pháp - hộ tịch, trong đó tập trung cung cấp kỹ năng, kiến thức liên quan công tác tư vấn người dân đồng tình, ủng hộ tham gia chương trình khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tiếp tục phối hợp cùng Thành đoàn, Bệnh viện Hùng Vương tổ chức hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
- TS KHUẤT THU HỒNG Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS): Xây dựng chính sách phù hợp
Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ thai phụ, gia đình trẻ của nước ta mang nhiều tính ưu việt; tuy nhiên, trên thực tế có nhiều yếu tố tác động đến quyết định sinh con của lao động nữ. Điển hình như chi phí sinh hoạt cao (gồm chi phí y tế, giáo dục và sinh hoạt phí hàng ngày); thu nhập không ổn định hoặc thấp; thời gian làm việc dài, công việc căng thẳng và thiếu linh hoạt. Bên cạnh đó, trường học, cơ sở y tế trong các khu công nghiệp, khu chế xuất vừa thiếu vừa không đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động… cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con.
Dự thảo Luật Dân số (do Bộ Y tế chủ trì, đang được lấy ý kiến của bộ, ban, ngành, chuyên gia để thay thế Pháp lệnh Dân số) đưa ra một một số giải pháp, như thưởng 1 tháng lương cho người sinh con thứ nhất và thưởng 2 tháng lương cho người sinh con thứ 2 ở 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Xét về mặt kinh tế, mức khuyến khích này vẫn còn quá nhỏ so với những gánh nặng chi phí mà một cặp vợ chồng sẽ phải đối mặt khi sinh ra một đứa con ở các thành phố lớn. Về góc độ tâm lý, tình cảm và giáo dục thì việc đảm bảo cho một đứa trẻ phát triển toàn diện là điều không hề dễ dàng. Việc khuyến khích sinh không chỉ thông qua hình thức đảm bảo nguồn kinh tế, mà còn cần đi chung với các chế độ hỗ trợ nuôi con và chăm sóc con cái lâu dài.
Trả lời cử tri TPHCM về chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết:
Ngày 28-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp sau nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con:
Thứ nhất, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con, gồm: bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, trong đó có hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nội dung tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội, đối với gia đình và chăm sóc cha, mẹ khi về già; Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt.
Thứ ba, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan: xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản…
Trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng nhằm thay thế cho Pháp lệnh Dân số năm 2003, Bộ Y tế đề xuất quy định về việc các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con. Đây là thay đổi căn bản rất lớn, khi Pháp lệnh Dân số đang quy định “mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Đề xuất trên nhằm khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.