Đây là sự kiện gắn sơ kết 1 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển đô thị thông minh tại Nghị quyết số 52 - NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" với các hoạt động trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Mục đích của Diễn đàn cấp cao là thúc đẩy việc chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN, qua đó đẩy nhanh tiến trình triển khai hiệu quả Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị.
Các hoạt động của sự kiện bao gồm: 1 phiên toàn thể với sự tham dự của trên 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham gia trực tiếp và trực tuyến (trong đó có trên 50 đại biểu quốc tế là đại diện cấp cao các nước ASEAN và 26 đô thị thông minh); 5 hội thảo chuyên đề với quy mô 200 đại biểu/hội thảo, tập trung vào các lĩnh vực then chốt trong xây dựng đô thị thông minh như quy hoạch và quản lý đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh; giao thông thông minh; năng lượng thông minh; dịch vụ thông minh; triển lãm các mô hình, công nghệ tiêu biểu cho đô thị thông minh với sự tham gia của các địa phương và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều 22-10 diễn ra phiên Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 với chủ đề “Đô thị thông minh - hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên toàn thể diễn đàn.
Sau gần 35 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Khu vực đô thị không chỉ thúc đẩy nhanh tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong dài hạn. Hệ thống đô thị đã tạo các cực tăng trưởng trong khu vực, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, thời gian qua cũng cho thấy, hệ thống đô thị của Việt Nam phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn; chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng chậm được thu hẹp; nhiều vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông chưa được giải quyết… Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị trong thời gian tới trên cơ sở tận dụng tốt nhất những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, phát triển đô thị thông minh bền vững sẽ là hướng đi tất yếu, là nhu cầu cấp thiết trong quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam…