Các nghệ sĩ luôn gắn bó máu thịt với dân tộc
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định, văn nghệ sĩ luôn là lực lượng gắn bó máu thịt với dân tộc, Tổ quốc, nhân dân; Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo to lớn của văn học nghệ thuật. 35 tham luận đặt ra nhiều vấn đề để trao đổi, thảo luận cũng như bày tỏ tiếng nói tự đáy lòng của đội ngũ văn nghệ sĩ quanh những sáng tạo nghệ thuật trong quá khứ, hiện tại và tương lai về Điện Biên.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi của dân tộc ta. 70 năm đã trôi qua, bản anh hùng ca này vẫn vang vọng và luôn khơi dậy niềm tự hào, tinh thần bất khuất của dân tộc ta. Ngay trong những ngày tháng bom đạn khốc liệt của chiến dịch, văn học nghệ thuật đã đồng hành với các chiến sĩ trên mặt trận. Đó là những văn nghệ sĩ đã trực tiếp ra trận, sáng tác để khích lệ tinh thần các chiến sĩ, ghi lại những giờ phút hào hùng của dân tộc.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Điện Biên vẫn là mảnh đất được nhiều văn nghệ sĩ khai thác và có những tác phẩm thành công như Mùa lạc (Nguyễn Khải), Sông núi Điện Biên (Trần Lê Văn), Hoa ban đỏ (kịch bản Hữu Mai, đạo diễn Bạch Diệp), Ký ức Điện Biên (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn), Đường lên Điện Biên (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng)…
Đối với văn nghệ sĩ, Điện Biên Phủ là vùng đất để một lòng hướng về với tất cả tình cảm sâu nặng. Điện Biên đang trên đà phát triển và ký ức hào hùng của 70 năm về trước vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho văn học nghệ thuật. Mảnh đất này đang thay da đổi thịt từng ngày, với nền văn hóa đa dạng phong phú của các dân tộc anh em cùng chung sống cũng là một đề tài cho các văn nghệ sĩ trong cả nước thể hiện tình yêu với mảnh đất và con người nơi đây.
Nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn nghệ sĩ
Đề cập tới trận Điện Biên của âm nhạc Việt, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, khẳng định: “Chỉ đến khi đại quân ta tiến vào Tây Bắc, chìm đắm trong mỏ dân ca các dân tộc Tây Bắc, các nhạc sĩ chúng ta mới bừng ngộ rằng đây chính là kho tàng vô tận cho sự phát triển không ngừng của âm nhạc Việt. Và cùng với trận Điện Biên của cả dân tộc, các nhạc sĩ cũng bắt đầu khởi sự một trận Điện Biên của mình trên đường chinh phục những đỉnh cao âm nhạc”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, đã điểm lại một số bức ảnh chụp trong chiến dịch Điện Biên Phủ và nhấn mạnh, các nhà nhiếp ảnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ đã làm được những điều vĩ đại để lại cho lịch sử một kho tàng tư liệu ảnh vô giá, điển hình như NSNA Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Đinh Ngọc Thông; và các nhà quay phim, kiêm chụp ảnh như Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Đăng Bẩy…
Họ đã để lại cho lịch sử chiến tranh cách mạng một kho tàng lịch sử hình ảnh chân thật, sinh động vô giá. Trong lĩnh vực văn học, nhiều tham luận đã đưa ra minh chứng cụ thể về hình tượng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong các khúc tráng ca sử thi hào hùng của văn chương Việt; tượng đài chiến thắng trong thơ; những tiểu thuyết xuất sắc của các nhà văn mặc áo lính viết về Điện Biên; cảm hứng thi ca từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ… Đặc biệt, một số tham luận đi sâu phân tích một số tác phẩm tiêu biểu ở mảng đề tài này như: tiểu thuyết Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng; tiểu thuyết tư liệu lịch sử Điện Biên Phủ - Bản hùng ca chiến thắng của Cao Văn Liên; tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam của Châu La Việt…
Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hội thảo không chỉ nhìn lại những chặng đường đã đi qua mà còn mở ra những chặng đường đi tới của của văn học nghệ thuật về Điện Biên. Bên cạnh ý nghĩa khoa học, hội thảo còn chứa đựng tính chất tổng hợp, giúp tuyên truyền, quảng bá về những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn nghệ sĩ, để từ đó nâng cao chất lượng tác phẩm, tiếp tục có thêm nhiều sáng tác để đời về Điện Biên Phủ.