Hai tàu sân bay Mỹ đến Địa Trung Hải
Cuộc tấn công nhằm vào một cơ sở cất giữ và vận chuyển vũ khí, bao gồm tên lửa và đạn dược. Lầu Năm Góc cho biết cơ sở này được sử dụng để tấn công vào lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực. Đoạn video cho thấy hậu quả của vụ tấn công, nhưng thông tin về thương vong và thiệt hại chưa được làm rõ. Không quân Mỹ cho biết, việc triển khai các máy bay chiến đấu từ Phi đội máy bay chiến đấu viễn chinh 494 và Phi đội máy bay chiến đấu viễn chinh 354 “củng cố thế trận của Mỹ và tăng cường các hoạt động không quân trên khắp Trung Đông”.
Gần đây, các quan chức quốc phòng Mỹ nhiều lần tuyên bố Lầu Năm Góc có thể nhanh chóng điều thêm lực lượng và khí tài tới khu vực Trung Đông trong trường hợp cần thiết, khi Israel tiếp tục cuộc chiến chống lại Hamas. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Eisenhower đã được điều tới vùng biển phía Đông Địa Trung Hải để gia nhập cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R Ford đến khu vực này trước đó. Tàu sân bay USS Eisenhower có thể chở hơn 60 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu F/A-18, trong khi USS Gerld R Ford có thể triển khai hơn 75 máy bay.
Israel sẽ kiểm soát toàn bộ Gaza
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày tuyên bố Quân đội Israel (IDF) sẽ nắm quyền kiểm soát Dải Gaza sau khi chiến sự Hamas - Israel kết thúc. Trong cuộc họp tại Tel Aviv với lãnh đạo các thị trấn gần Gaza, Thủ tướng Netanyahu cho hay Israel sẽ kiểm soát an ninh toàn bộ Dải Gaza, trong đó có cả việc phi quân sự hóa hoàn toàn vùng lãnh thổ này.
Trước đó, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Volker Turk tuyên bố Israel phải lập tức thực hiện các biện pháp để bảo vệ người Palestine ở Bờ Tây. Bởi họ đang trở thành mục tiêu của các vụ bạo lực kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát tháng 10 vừa qua. Người Palestine tại Bờ Tây đã hứng chịu nhiều tổn thất nhất từ trước đến nay. 70 Đại sứ tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và kêu gọi cộng đồng quốc tế “gây áp lực tối đa” để đảm bảo tiếp cận và hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, cũng như khôi phục các dịch vụ cơ bản, chấm dứt tình trạng đổ máu kéo dài ở Dải Gaza.
Hiện, Ấn Độ và Mỹ đã ký một tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ khoảng dừng nhân đạo trong cuộc chiến Hamas - Israel và nhằm ngăn chiến sự lan rộng ở Trung Đông. Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh của Ấn Độ cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J Austin của Mỹ tham dự Đối thoại cấp bộ trưởng Ấn - Mỹ 2+2 tại thủ đô New Delhi. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho hay Tokyo sẽ đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc ở Dải Gaza trong bối cảnh cuộc chiến leo thang giữa Israel và Hamas.