Hành động khẩn trương
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có cuộc thảo luận, trong đó đề cập đến việc đưa viện trợ nhân đạo vào Syria và những việc Liên hợp quốc có thể làm để giúp tái thiết nước này. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận khả năng hợp tác với các nhà lãnh đạo mới của Syria; đồng thời nhất trí hợp tác nhằm tăng cường cam kết của Liên minh châu Âu đối với Syria, đặc biệt là thông qua công tác phối hợp với các đối tác Trung Đông hỗ trợ “các tiến trình chính trị toàn diện” ở nước này.
Các nhà ngoại giao Qatar đã khởi động kênh liên lạc với nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đứng đầu lực lượng đối lập đang kiểm soát thủ đô Damascus, Syria. Doha có kế hoạch tiếp xúc với thủ lĩnh HTS Mohamed Al-Bashir trong ngày 10-12 (giờ địa phương), sau khi nhân vật này được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính quyền chuyển tiếp của Syria. Trọng tâm của cuộc tiếp xúc là nhấn mạnh “yêu cầu đối với HTS và các nhóm khác về việc duy trì trật tự và bảo vệ các thể chế công cộng của Syria trong thời kỳ chuyển tiếp”. Các nước trong khu vực cũng đang cố gắng thiết lập những mối liên hệ mới với HTS và các nhóm nổi dậy khác.
Theo giới quan sát, các nhà ngoại giao phải hành động khẩn trương để vừa theo dõi các sự kiện, vừa lường trước những hậu quả tiềm tàng của tình trạng mất quyền lực đột ngột ở một quốc gia nơi các nhóm vũ trang, phần tử Hồi giáo cực đoan và các thế lực nước ngoài từ lâu đã tranh giành ảnh hưởng.
Nhiều mối lo
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington quyết tâm ngăn chặn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tái lập nơi trú ẩn an toàn ở Syria cũng như nguy cơ quốc gia Trung Đông này bị chia cắt. Bên cạnh mối lo khủng bố, trang mạng Foreign Policy cho biết ưu tiên trước mắt của cộng đồng quốc tế là bảo vệ các kho vũ khí hóa học ở Syria để ngăn không cho rơi vào tay các nhóm vũ trang. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 8-12 rằng: “Mọi kho vũ khí hóa học hoặc vật liệu liên quan đều phải được bảo đảm”. Tờ Jerusalem Post cùng ngày đưa tin không quân Israel đã tấn công một nhà máy vũ khí hóa học của Syria để ngăn chặn rơi vào tay quân nổi dậy.
Diễn biến tại Syria được các chuyên gia nhận định là làm đảo lộn Trung Đông, có "những tác động to lớn" đối với nước láng giềng Lebanon. Amos Hochstein, người đại diện của Chính phủ Mỹ về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và lực lượng Hezbollah, cho biết những gì xảy ra ở Syria tạo ra một điểm yếu mới cho Hezbollah, bởi Syria là tuyến đường bộ chính để Iran chuyển vũ khí cho Hezbollah ở Lebanon.
Shalom Lipner, cựu cố vấn của nhiều đời thủ tướng Israel, cho biết Israel có thể lạc quan một cách thận trọng về sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng cần theo dõi chặt chẽ cuộc đua lấp đầy khoảng trống quyền lực mà ông Assad để lại. "Tôi nghĩ rằng đó không chỉ là mối quan ngại của Israel mà còn là mối lo ngại của cộng đồng quốc tế", cựu cố vấn Lipner nói.