Tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2017, lần đầu tiên, đoàn điện ảnh Việt Nam bước trên thảm đỏ danh giá với tư cách là khách mời chính thức, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của điện ảnh Việt.
Hai hoạt động có ý nghĩa
Nếu những năm trước đây, các đoàn nghệ sĩ Việt Nam tham dự LHP Cannes chủ yếu do các thương hiệu rượu tài trợ và khó có cơ hội bước lên thảm đỏ với tư cách khách mời chính thức, thì tại kỳ LHP Cannes lần thứ 70 này, câu chuyện đã khác. Lần đầu tiên, đoàn Việt Nam gồm 70 người, đại diện cho các đoàn làm phim, hãng sản xuất, phát hành… đã có một gian hàng chính thức tại Làng quốc tế của Hội chợ LHP Cannes 2017, với chủ đề: Việt Nam, điểm đến mới cho các bộ phim bom tấn.
Nếu những năm trước đây, các đoàn nghệ sĩ Việt Nam tham dự LHP Cannes chủ yếu do các thương hiệu rượu tài trợ và khó có cơ hội bước lên thảm đỏ với tư cách khách mời chính thức, thì tại kỳ LHP Cannes lần thứ 70 này, câu chuyện đã khác. Lần đầu tiên, đoàn Việt Nam gồm 70 người, đại diện cho các đoàn làm phim, hãng sản xuất, phát hành… đã có một gian hàng chính thức tại Làng quốc tế của Hội chợ LHP Cannes 2017, với chủ đề: Việt Nam, điểm đến mới cho các bộ phim bom tấn.
Gian hàng Việt Nam được đặt cạnh nhiều cường quốc điện ảnh lớn, như: Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Australia, Thụy Sĩ... Tại đây, quan khách đến với LHP có thể tìm hiểu về các bộ phim Việt nổi bật trong thời gian qua và các dự án điện ảnh mới đang chuẩn bị phát hành hoặc đưa vào sản xuất. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL Việt Nam, Cục Điện ảnh Việt Nam còn trả lời nhiều câu hỏi về các thủ tục để đến Việt Nam quay phim. Quả là những ngày rộn ràng của điện ảnh Việt tại Cannes 2017.
Đặc biệt là chương trình Đêm Việt Nam - Vietnam Night, nhằm chọn lọc giới thiệu các bộ phim mới sản xuất của điện ảnh Việt đến với điện ảnh thế giới. Đây cũng là cơ hội để các nhà sản xuất phim trong nước giao lưu với các nhà làm phim nước ngoài. Các khách mời đến tham dự cũng được giới thiệu thêm về du lịch và ẩm thực của Việt Nam. Việt Nam - Điểm quay phim mới của các phim bom tấn cũng là một chủ đề được quảng bá trong sự kiện. Ngoài ra, khách mời còn được thưởng thức ẩm thực Việt Nam và tỏ ra thích thú với món ăn truyền thống Việt là phở và nem rán (chả giò). Hơn 600 khách mời từ các quốc gia, bao gồm nhiều đại diện các LHP hàng đầu trên thế giới, như: LHP Cannes, LHP Venice, LHP Hongkong, LHP Busan, LHP Tokyo và hàng chục các LHP khác, cùng các nhà phát hành phim, sản xuất phim đã đến giao lưu với đoàn điện ảnh Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Việt Nam Vương Duy Biên đã khẳng định: “Đây là cơ hội tốt cho điện ảnh Việt”. Còn Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên Cục Điện ảnh Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp điện ảnh có một chuỗi hoạt động tại LHP Cannes... Điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến đáng mừng trong những năm qua về thị trường, về chất lượng các bộ phim. Sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam tại Cannes năm nay chứng tỏ sự nỗ lực của Cục Điện ảnh cùng sự đồng lòng và hỗ trợ của các doanh nghiệp điện ảnh để vượt qua mọi khó khăn trên con đường đưa điện ảnh Việt Nam ra biển lớn”. Bà Ngô Phương Lan và ông Loic Wong, Vụ trưởng Vụ Điện ảnh thuộc Viện Pháp cùng công bố và trao đổi biên bản thỏa thuận về hợp tác đã được ký kết giữa Cục Điện ảnh Việt Nam và Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp, nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác giữa điện ảnh hai nước.
Vui, buồn đan xen
“Điện ảnh Việt Nam đã từng hiện diện ở Cannes bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng đây là lần đầu tiên những người làm phim, những công ty sản xuất và phát hành phim, các diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch được hãnh diện với sự xuất hiện chính thức của Việt Nam như một quốc gia, sánh vai cùng các cường quốc điện ảnh khác. Chúng tôi đã có một mái nhà Việt Nam ở Cannes”, đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh nói trong sự xúc động. Đó cũng là tâm trạng chung của các thành viên trong đoàn điện ảnh Việt Nam khi đến với LHP Cannes 2017.
Tại Đêm Việt Nam, 2 dự án phim được quỹ Cinefondation’s Atelier tài trợ năm 2017 (một trong những hạng mục chính của LHP Cannes), nhằm giúp các nhà làm phim trẻ có cơ hội đổi đời với những tác phẩm độc đáo của mình; đó là Culi không bao giờ khóc (Culi Never Cries) của đạo diễn Phạm Ngọc Lân và nhà sản xuất Phan Đăng Di và Vị (Taste) của đạo diễn Lê Bảo. Năm nay, dự án Người vợ ba của đạo diễn Nguyễn Phương Anh và nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc cũng được Quỹ hỗ trợ điện ảnh Hong Kong mời đến Cannes để trao đổi và xúc tiến những bước tiếp theo của dự án. Đặc biệt, bộ phim đầu tay của đạo diễn Hồng Ánh vừa đoạt 3 giải tại Liên hoan phim quốc tế Asean 2017 Đảo của dân ngụ cư đã được giới thiệu như tâm điểm điện ảnh mới…
Bên cạnh những niềm vui, không thể không nói đến nỗi buồn! Ngay trước ngày khai mạc chính thức của LHP, hình ảnh Lý Nhã Kỳ với dòng chữ “Ly Nha Ky New Voice Of The Vietnam”, trên tấm pano quảng bá cô tại LHP Cannes 2017 đã khiến công chúng quê nhà không khỏi sửng sốt. Trước khi lên đường sang Cannes, Lý Nhã Kỳ đã tổ chức một buổi họp báo tại TPHCM để công bố về 3 tấm pano quảng cáo cho điện ảnh Việt và du lịch TPHCM, nhưng cô không hề hé lộ thông tin về tấm pano thứ 4 có in hình cô. Vì thế, không chỉ công chúng mà giới truyền thông quê nhà đã bất ngờ, sửng sốt...
Sau làn sóng phản ứng, dòng chữ bên tấm hình Lý Nhã Kỳ được xóa bớt câu “Of The Vietnam”. Ông Antoine Dray, người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty ADR Prod, đơn tổ chức các sự kiện tại Cannes đưa ra lời giải thích: Lý Nhã Kỳ được bầu chọn bởi vì cô ấy đã 2 năm bảo trợ cho Cinefdonation, một hạng mục quan trọng tại LHP!
Điện ảnh Việt rất khó khăn mới đặt được một bàn chân tới Cannes và còn phải nỗ lực rất nhiều mới hy vọng có phim gửi dự thi vòng tuyển chọn (cả thế giới có gần 2.000 bộ phim gửi đến Cannes, nhưng ban tổ chức chỉ chọn được 42 phim dự thi chính thức). Chính vì thế, bất cứ sự quá lố, mất kiểm soát nào cũng khiến người yêu nghề, yêu điện ảnh Việt thấy đáng tiếc, đáng buồn.