Chuyện không cũ
Ngay sau hội thảo tại Hà Nội, đề xuất bổ sung 2 mức phân loại phim so với quy định hiện hành trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi, dù Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành khẳng định, đây mới chỉ là dự thảo.
Cụ thể hầu hết ý kiến đồng tình thêm mức PG (cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ), còn mức C21 (cấm khán giả dưới 21 tuổi) nhận nhiều ý kiến trái chiều.
“Hy vọng mức phân loại C21 sẽ cực kỳ thoáng với nhà làm phim. Nếu được đưa vào áp dụng, mức C21 phải khác với mức C18, không thể là mức C18 cũ được đổi tên" Ông Nguyễn Thế Phong, đại diện Công ty CP Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film), chia sẻ.
Tuy nhiên, đại diện các nhà phát hành phim như CGV, Lotte Cinema, Galaxy… có mặt tại hội thảo đều phản đối việc bổ sung mức C21. Thừa nhận đưa mức PG “sẽ có hiệu quả tích cực, góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam”, nhưng ông Nguyễn Hoàng Hải, đại diện CJ CGV Việt Nam, cho rằng, việc thêm mức C21 không phù hợp với pháp luật hiện hành và trình độ nhận thức của người Việt Nam.
Tại Việt Nam, người 18 tuổi được pháp luật công nhận là thanh niên. Đại diện Galaxy cũng khẳng định, việc thêm C21 hạn chế khả năng đưa phim đến với khán giả; và đề xuất vẫn giữ mức cao nhất là C18, nhưng quy định cần thông thoáng hơn. Trả lời câu hỏi cho sự khác biệt với mức C18, theo ông Vi Kiến Thành, với mức C21, các vấn đề về bạo lực, hình ảnh nhạy cảm… sẽ được phép thể hiện với mức độ cao hơn và dành cho đối tượng trưởng thành hơn.
Liên quan đến quản lý các nội dung trên không gian mạng, 2 đề xuất tiền kiểm và hậu kiểm cũng tạo nên nhiều tranh cãi. Thậm chí có ý kiến cho rằng, tiền kiểm là bất khả thi. PGS-TS Trần Luân Kim ủng hộ hậu kiểm, bởi đây là phương án thực tế hơn do số lượng phim lớn. Đại diện Galaxy đề xuất giữ tiền kiểm với phim chiếu rạp, còn các phim phát hành trên Internet có thể áp dụng cả tiền kiểm và hậu kiểm.
Theo ông Nguyễn Thế Phong, phương án hậu kiểm khả thi hơn, không thể tiền kiểm tất cả phim chiếu mạng, nhưng các đơn vị sản xuất vẫn có thể đề nghị được tiền kiểm phim trước khi phát hành trên mạng để tránh các rủi ro về sau.
Vì điện ảnh Việt
Làm thế nào để nâng tầm vị thế của điện ảnh Việt, đặc biệt liên quan đến câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực cũng như quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt thông qua điện ảnh cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.
“Đào tạo nhân lực ở lĩnh vực điện ảnh đang đi chậm hơn thị trường, bộc lộ nhiều yếu kém và không cập nhật xu thế mới”, đạo diễn Ngô Quang Hải nhìn nhận. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền cũng cho rằng, hiện tại ngoài 2 cơ sở đào tạo chính là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TPHCM nên chăng cần có thêm các chính sách đưa đội ngũ làm nghề đi đào tạo ở nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, cũng chỉ ra thực tế, dù là trung tâm điện ảnh của cả nước, nhưng hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, số lượng được cử đi nước ngoài ít, các nhân tố trẻ chưa ổn định. Theo bà, cần có cơ chế hỗ trợ tự đào tạo và tăng cơ hội đào tạo chuyên sâu. Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, việc khuyến khích đào tạo nên được đưa vào Luật Điện ảnh.
Theo nhà sản xuất Mai Thu Huyền, hiện các đơn vị sản xuất đang tự mày mò để phát hành phim ở nước ngoài và chưa có sự hỗ trợ của nhà nước. Xuất khẩu phim là thị trường tiềm năng nhưng còn đơn lẻ, tự phát. Đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận, nếu vẫn giữ nguyên quy định về trình tự cấp phép các dự án hợp tác sản xuất, cung cấp dịch vụ với đối tác nước ngoài như hiện nay, là đang đóng cửa thay vì trải thảm đỏ, thúc đẩy thị trường phát triển.
Thực tế, không ít phim nước ngoài đã lên kế hoạch quay tại Việt Nam, nhưng cuối cùng phải chuyển sang các nước Đông Nam Á khác, do thủ tục nhiêu khê. Hiện nay, các gương mặt mới, đặc biệt các nhà làm phim độc lập - những người góp công lớn tạo tiếng nói của phim Việt trên bản đồ điện ảnh thế giới, phải tìm kiếm quỹ tài trợ từ nước ngoài và không có sự hỗ trợ của chính phủ.
Liên quan đến Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VH-TT-DL Lê Thanh Liêm khẳng định, đề xuất thành lập quỹ được đưa ra từ năm 2006, nhưng chưa thực hiện được do vẫn chưa biết nguồn thu từ đâu. Trước đó, từng có đề xuất trích tỷ lệ % trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu như nhiều nước đã làm. Tuy nhiên, đại diện cụm rạp CGV khẳng định, đó sẽ là gánh nặng cho quỹ. Và quy định cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim phải thực hiện nghĩa vụ tài chính vào quỹ là thiếu công bằng và mang tính ràng buộc. |