Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ V- 2018 vừa diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô - Hà Nội, khép lại 5 ngày hoạt động sôi nổi, mang đến cho công chúng một “bữa tiệc điện ảnh” nhiều màu sắc. Đúng như nhiều người nhận định, nếu không có LHP thì người yêu điện ảnh Việt Nam sẽ ít có cơ hội thưởng thức những tác phẩm điện ảnh tầm cỡ của thế giới và hơn thế, đây cũng là một dịp để điện ảnh trong nước nhìn lại chính mình.
Tôn vinh giá trị nghệ thuật
Sẽ là không quá nếu nói thành công nhất của LHP năm nay đã đưa đến cho khán giả một bữa tiệc nhiều màu sắc khi quy tụ các tác phẩm điện ảnh đỉnh cao của thế giới. Trong suốt 5 ngày liên tục, công chúng thủ đô đã có cơ hội để xem 147 bộ phim của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 200 buổi chiếu tại các rạp và ngoài trời, trong đó có 48 buổi chiếu có nghệ sĩ các đoàn làm phim ra mắt, giao lưu trực tiếp với khán giả trước giờ chiếu.
Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng có lẽ phim được chọn trình chiếu tại đây đều là những tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng, những phim từng đoạt giải cao tại nhiều LHP uy tín trên thế giới như A Ciambra, Ida, The Salesman, Shoplifters - Kẻ trộm siêu thị… nên khán giả có chút hụt hẫng khi theo dõi hạng mục phim dự thi của LHP lần này.
Nhìn chung 12 phim dự thi năm nay không đồng đều về chất lượng. Chỉ cần theo dõi đủ cả 12 suất chiếu là có thể dễ nhìn thấy ứng cử viên sáng giá. Đúng như nhận định, vượt lên các tác phẩm điện ảnh dự thi, Giải phim dài xuất sắc nhất - giải thưởng được đón đợi nhất tại LHP lần này - đã được trao cho Buồng tối (đạo diễn Rouhollah Hejazi, điện ảnh Iran). Đã khá lâu mới có một tác phẩm được trao giải cao nhất của ban giám khảo và cũng nhận được sự đồng thuận của khán giả nhiều đến như vậy.
Buồng tối - câu chuyện về gia đình trẻ với những vấn đề về việc nuôi dạy con cái, nỗi lo sợ con trẻ bị quấy rối tình dục và sâu hơn là nỗi ám ảnh thời ấu thơ. Với dung lượng 101 phút, phim đã chinh phục người xem bằng những giá trị mang hơi thở của cuộc sống đương đại, thấm đẫm chất nhân văn. Cũng ở hạng mục phim dài, Giải đạo diễn phim dài xuất sắc nhất được trao cho đạo diễn Ba Lan Piotr Domalewski với Đêm yên lặng. Giải thưởng của ban giám khảo cho phim dài cũng đã gọi tên Dân quê, đạo diễn Vladimir Todorovic của điện ảnh Serbia.
Đại diện cho Việt Nam tham dự ở hạng mục này là Nhắm mắt thấy mùa hè - đạo diễn Cao Thúy Nhi cũng là một tác phẩm không có dấu ấn nổi trội mà chỉ dừng lại ở mức độ dễ chịu với cảnh quay đẹp, âm thanh tốt. Chính vì thế, việc trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Đào Phương Anh trong phim của nước chủ nhà có lẽ là bất ngờ lớn nhất trong lễ trao giải năm nay.
Không ghi dấu ấn ở hạng mục phim truyện dài, nhưng trong phần dự thi phim ngắn, đại diện cho Việt Nam đã thể hiện ưu thế khi giành Giải đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất - đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt, phim Bạn cùng phòng và Giải thưởng của ban giám khảo cho phim ngắn thuộc về Hai đứa trẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
Tham dự các buổi hội thảo trong khuôn khổ LHP, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ, thế giới còn ít biết đến những tác phẩm điện ảnh của Việt Nam là do nhà nước ít chú ý đến việc quảng bá điện ảnh ra thế giới. Nhiều bạn bè quốc tế chỉ biết điện ảnh Việt Nam qua 2 bộ phim Mùi đu đủ xanh và Xích lô của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng, đã khiến vị đạo diễn gạo cội này không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
“Các bạn nước ngoài cần biết ngoài mùi đu đủ, Việt Nam còn có nhiều mùi khác nữa”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói. Cũng theo ông, muốn làm được điều đó thì người làm điện ảnh phải tự nhìn lại mình, phải hội nhập với thế giới bằng những phim mang giá trị chung của nhân loại, đầy nhân ái chứ không chỉ đơn giản là giải trí, bạo lực, tình dục…
“Điện ảnh hiện nay của chúng ta đánh mất những giá trị mà điện ảnh Việt Nam đã từng có. Điện ảnh chúng ta lạc lõng, khán giả cũng lạc lõng. Truyền thông lạc lõng khi ca ngợi mục tiêu của điện ảnh là giải trí, phải được tuổi teen chấp nhận, ra phòng vé thì một tuần thu về mấy chục tỷ đồng”, đạo diễn của Đừng đốt nhận định.
Cùng chung nhận định này, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng cho rằng: “Qua những dịp như LHP lần này, chúng ta thấy rằng Việt Nam đang rất cần những bộ phim có tính nghệ thuật cao và cần phải học hỏi các nước bạn về sự đầu tư trong việc cải thiện thị hiếu khán giả, khiến họ không mải mê chạy theo những bộ phim thị trường bây giờ. Nên có những cách làm cho công chúng hiểu rằng điện ảnh không chỉ có mục đích giải trí mà còn mang đến nhiều giá trị tiềm ẩn khác”.
Khép lại LHP quốc tế Hà Nội nhưng cũng mở ra những thách thức mới. Sau 10 năm, làm thế nào để LHP nhận được nhiều hơn sự quan tâm, chú ý của những nền điện ảnh nổi tiếng thế giới và thu hút nhiều hơn nữa những ngôi sao điện ảnh quốc tế tham dự? Câu hỏi lớn hơn cả đối với người làm điện ảnh là làm sao truyền được cảm hứng đến những người làm điện ảnh trẻ, sung sức và đầy nhiệt huyết, để họ có thể tạo được nhiều sản phẩm nghệ thuật đi vào lòng công chúng bởi dấu ấn sáng tạo cá nhân.
Dẫu biết cuộc vui nào rồi cũng sẽ khép lại, nhưng hy vọng rằng điện ảnh Việt không dừng lại ở học hỏi mà sẽ được tiếp thêm động lực để tự bứt phá, vượt qua cái ranh giới của sự “lạc lõng”, để hòa vào dòng chảy chung với điện ảnh thế giới.