Chờ cú ăn 3
Ban tổ chức Liên hoan phim (LHP) quốc tế Venice lần thứ 81 vừa công bố danh sách 7 phim tranh giải hạng mục Tuần lễ phê bình quốc tế (Venice Critics’ Week). Trong đó, có một đại diện của Việt Nam, phim truyện dài Don’t cry, Butterfly (Mưa trên cánh bướm), tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh.
Mưa trên cánh bướm do chính Dương Diệu Linh viết kịch bản và đạo diễn, lấy bối cảnh tại Hà Nội. Phim kể về một bà nội trợ sau khi biết chồng mình ngoại tình đã nhờ đến thầy cúng để giành lại tình yêu. Nhưng không ngờ hành động đó lại vô tình đánh thức một thế lực bí ẩn trong chính căn nhà của mình.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Dương Diệu Linh cho biết, cô cảm thấy “rất siêu thực” khi nghe tin bộ phim lọt vào vòng tranh giải tại LHP Venice. “Tôi nỗ lực thoát khỏi hình ảnh rập khuôn về những người phụ nữ buồn bã và bất lực. Thay vào đó, tôi thể hiện họ tràn đầy sức sống, hài hước pha chút chủ nghĩa hiện thực và tưởng tượng kỳ diệu. Tôi hy vọng đứa con tinh thần này của chúng tôi sẽ quyến rũ khán giả thế giới như cách bộ phim đã làm với chúng tôi”, nữ đạo diễn 9X chia sẻ; đồng thời cho biết đang rất nóng lòng chờ đợi đánh giá của mọi người sau khi xem bộ phim này, hy vọng nó sẽ mang lại nụ cười đến với khán giả.
Giám đốc nghệ thuật Tuần lễ phê bình Venice, Beatrice Fiorentino, đánh giá, bộ phim là sự kết hợp giữa chất trữ tình và sự kỳ ảo với các vấn đề của phụ nữ được đặt lên hàng đầu, những giấc mơ va chạm với hiện thực chỉ qua tưởng tượng. “Đó là một bộ phim vừa gần gũi vừa giàu tính bao quát. Một câu chuyện buồn vui lẫn lộn về gia đình đặt trong bốn bức tường đã trở thành một phép ẩn dụ mạnh mẽ cho xã hội đương đại”, Beatrice Fiorentin chia sẻ.
Trước khi nhận được đề cử tại Venice, từ giai đoạn sản xuất và phát triển, bộ phim đã nhận được vô số giải thưởng, trong đó có: Wouter Barendrecht Award và Udine Focus Asia Award tại Diễn đàn tài trợ phim châu Á (HAF), giải Moulin d’Andé tại hạng mục Open Doors Locarno thuộc khuôn khổ LHP Locarno (Thụy Sĩ); Screen Award tại giải Motion Picture Association...
Nếu Mưa trên cánh bướm chiến thắng, điện ảnh Việt sẽ giành cú ăn 3 ấn tượng cho các tác phẩm phim truyện đầu tay xuất sắc tại 3 LHP hàng đầu thế giới. Tại LHP Cannes 2023, Bên trong vỏ kén vàng (đạo diễn Phạm Thiên Ân) giành chiến thắng hạng mục Máy quay Vàng (Caméra d’Or) dành cho phim đầu tay xuất sắc.
Tiếp sau đó, Cu li không bao giờ khóc (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) được xướng tên Phim đầu tay xuất sắc nhất (GWFF Best First Feature) tại LHP Berlin lần thứ 74 - 2024. Gần đây nhất, Cu li không bao giờ khóc cũng nhận giải Phim hay nhất hạng mục phim châu Á dự thi tại LHP châu Á Đà Nẵng 2024, trong khi Phạm Thiên Ân thắng giải Đạo diễn xuất sắc nhất ở hạng mục này.
Nâng đỡ trên đường dài
Với kinh nghiệm dày dạn từ việc tham gia nhiều LHP quốc tế, đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định, có nhiều yếu tố góp phần đưa điện ảnh Việt Nam ngày càng tiến xa, góp mặt trong danh sách đề cử, thậm chí đoạt giải cao tại các LHP hạng A trên thế giới.
Khi các tác phẩm Việt đã bắt đầu được nhắc tên và công nhận tại các LHP lớn sẽ tạo ra những ảnh hưởng không kém phần quan trọng đối với điện ảnh trong nước. Anh cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc kết nối nhiều nhà sản xuất và nhà đầu tư, thậm chí ở nhiều quốc gia khác nhau, trong một bộ phim.
Việc mở rộng hợp tác sản xuất, mạng lưới làm phim đã và đang được các nhà làm phim trẻ thực hiện theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Điển hình như trường hợp của Mưa trên cánh bướm được sản xuất bởi Momo Film Co. (trụ sở tại Singapore) hợp tác với các nhà sản xuất khác như Adeline Arts & Science, Fusee, Potato Productions, KawanKawan Media, Pupa Films và Kalei Films.
Phim do Barunson E&A (Hàn Quốc) nắm bản quyền phát hành toàn cầu. Bên trong vỏ kén vàng cũng là tác phẩm đồng sản xuất bởi các nhà sản xuất đến từ Việt Nam, Singapore, Pháp, Tây Ban Nha. Cu li không bao giờ khóc thậm chí còn là sản phẩm hợp tác của các nhà sản xuất đến từ 5 quốc gia: Việt Nam, Philippines, Pháp, Singapore, Na Uy.
Ông Si En Tan, Giám đốc điều hành Momo Film - đơn vị đồng sản xuất của Mưa trên cánh bướm, bày tỏ: “Việc đồng sản xuất giúp chúng ta có thể kết hợp, chia sẻ chuyên môn, nhân tài, đồng thời quản trị được những rủi ro và thuận lợi hơn trong khâu phát hành. Ngoài ra, chúng ta sẽ có thêm kênh phát hành dựa trên việc đồng sản xuất giữa các quốc gia”.
Tôi nghĩ, cần xây dựng nhiều nguồn kinh phí hơn để hỗ trợ các nhà làm phim. Đó là cách rút ngắn khoảng cách sản xuất, vì nhiều nhà làm phim có thể thực hiện 2 phim trong 3 năm, nhưng có khi 10 năm chưa làm nổi một bộ phim. Điều đó sẽ lãng phí tài nguyên và trí tuệ của nhiều nhà làm phim tài năng. Nếu có nhiều hơn phim Việt tham dự các liên hoan phim thì cơ hội lan tỏa sẽ càng mạnh mẽ. Ngoài ra, có kinh phí cũng sẽ có những bộ phim chất lượng tốt. Đó là con đường ngắn nhất để đưa phim đến với khán giả toàn cầu
Đạo diễn LƯƠNG ĐÌNH DŨNG
Việc chạm tay đến những LHP danh giá là một chặng đường dài. Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, các nhà làm phim, nhất là những người trẻ, đang làm tốt việc xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt nhưng lại gần như cô đơn giữa “cuộc chơi” này về kinh phí và sự hỗ trợ. Đó cũng là sự khác biệt và chưa tiệm cận với các nền điện ảnh khác, khi họ đang nỗ lực hỗ trợ, tạo ra các điểm tựa giúp các nhà làm phim vươn xa ra thế giới.
Bà Lorna Tee, nhà sản xuất, giám tuyển nghệ thuật người Malaysia, cũng cho rằng, nếu điện ảnh Việt có nhiều chính sách hỗ trợ, không chỉ về kinh phí, thì sẽ rất thành công.