Chuyển mình mạnh mẽ
Tọa lạc trên đường Đào Trinh Nhất (phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TPHCM) CineV Studio sở hữu diện tích lên đến 6ha (khoảng 60.000m2) được xem là phim trường khép kín gần như đầu tiên tại TPHCM, có thể đón đồng thời 6 đoàn phim. 90% bối cảnh phim Nhà bà Nữ, 70% bối cảnh phim Chị chị em em 2, bối cảnh lớn thứ 2 của Đất rừng phương Nam, đường phố Huế trước năm 1975 trong Em và Trịnh… đều được dàn dựng và quay tại đây; và vô số phim truyền hình, web drama, phim ngắn. Đứng sau phim trường này là “nữ tướng” 8X Lê Thị Kiều Nhi, người sẵn sàng từ bỏ công việc sản xuất phim để theo đuổi giấc mơ phim trường với quan niệm: “Để tiến đến ngành công nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp bắt buộc phải có trường quay chuyên nghiệp”. Chính sự tiên phong của những nhà làm phim tư nhân như Lê Thị Kiều Nhi đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của điện ảnh TPHCM.
Trong việc xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tại TPHCM, điện ảnh là ngành ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất. Theo bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, thành công này là do sự nhanh nhạy, sử dụng nhân lực tốt, tận dụng mọi nguồn lực trong xã hội. Điều đó được minh chứng qua rất nhiều phim điện ảnh được sản xuất mỗi năm với đề tài phong phú, đa dạng; hệ thống cụm rạp chiếu phim hiện đại hoàn toàn do tư nhân điều hành; sự kết nối chặt chẽ với thị trường điện ảnh thế giới…
Dấu ấn xã hội hóa điện ảnh tại TPHCM đã có từ những năm cuối thập niên 1980, đầu 1990. Diễn viên Lý Hùng vẫn nhớ như in bố anh - cố NSND Lý Huỳnh không chỉ là người đầu tiên đưa võ thuật vào điện ảnh Việt thành công mà hãng phim gia đình anh cũng trở thành một “thế lực” thời bấy giờ.
Nhiều bộ phim như Nước mắt học trò, Tình nàng áo trắng, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tây Sơn hiệp khách, Tráng sĩ Bồ Đề, Sơn thần thủy quái… không chỉ thành công về doanh thu, mà còn tạo ra thế hệ những ngôi sao điện ảnh có sức hút lớn: Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Y Phụng, Mộng Vân…
Nhiều phim hành động tiên phong trong hợp tác sản xuất với Hồng Công, Đài Loan như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng, Phi vụ Phượng hoàng... có sự tham gia của nhiều tên tuổi xứ Cảng thơm: Lê Tư, Mạc Thiếu Thông, Trịnh Thiếu Thu, Tiền Tiểu Hào… Thập niên 2000, khi điện ảnh Việt trở lại hưng thịnh, gia đình Lý Hùng cũng tiên phong thực hiện phim dã sử Tây Sơn hào kiệt.
Thời kỳ phim “mì ăn liền” thoái trào, các hãng phim nhà nước rơi vào khủng hoảng khi chuyển từ chế độ bao cấp sang chế độ hạch toán kinh tế, có sự tài trợ một phần của Nhà nước. Đến đầu những năm 2000, các hãng phim tư nhân là đơn vị vực dậy thị trường bằng những tác phẩm vừa có doanh thu cao, vừa có chất lượng nghệ thuật. Từ Gái nhảy (đạo diễn Lê Hoàng) với doanh thu 12 tỷ đồng năm 2003, cho đến doanh thu hơn 520 tỷ đồng của bộ phim Mai (đạo diễn Trấn Thành) đang công chiếu trong và ngoài nước, cho thấy bước nhảy vọt ấn tượng và sự đóng góp quan trọng của các nhà làm phim tư nhân. Ngay trong Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 cũng chỉ ra hơn 99% cơ sở hoạt động trong ngành điện ảnh thành phố thuộc doanh nghiệp tư nhân.
Cùng “góp gió”
Những ngày cuối tháng 3, thị trường điện ảnh Việt rộn ràng khi Muôn vị nhân gian - tác phẩm mang về cho đạo diễn Trần Anh Hùng giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023, được khởi chiếu rộng rãi. Đạo diễn Trần Anh Hùng thuộc thế hệ đạo diễn gốc Việt đầu tiên về Việt Nam làm phim và tạo dấu ấn mạnh mẽ bằng các giải thưởng điện ảnh danh giá. Đến nay, Mùi đu đủ xanh vẫn là phim nói tiếng Việt duy nhất lọt vào danh sách đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 1994. Đạo diễn Trần Anh Hùng thừa nhận, các đạo diễn gốc Việt về nước làm phim đã góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng cho nền điện ảnh. “Nhưng quan trọng hơn, trong số đó có những người có thể làm phim ăn khách. Điều này rất cần thiết để tạo nên một nền điện ảnh chuyên nghiệp, có chuyên môn, có thị trường”, đạo diễn Trần Anh Hùng nêu quan điểm.
Theo nhà phê bình Tuấn Lalarme, điện ảnh là môn nghệ thuật mang đậm yếu tố giải trí về nghe nhìn, tổng hòa của rất nhiều yếu tố, với sự đóng góp của rất nhiều người. Anh phân tích: “Để một bộ máy như vậy duy trì, mỗi tác phẩm điện ảnh phải gặt hái được thành công về mặt thương mại, nếu không nền điện ảnh đó không thể phát triển mạnh mẽ được”.
Hơn 30 năm trở lại đây, nhiều tài năng đạo diễn ở nước ngoài gốc Việt đã có nhiều đóng góp cho điện ảnh Việt nói chung và điện ảnh TPHCM nói riêng, ở cả hai phương diện chất lượng nghệ thuật và doanh thu. Cùng thời với Trần Anh Hùng không thể không nhắc đến đạo diễn Hồ Quang Minh từng về Việt Nam làm phim từ những năm 1980 với các tác phẩm: Con thú tật nguyền, Trang giấy trắng, Bụi hồng, Thời xa vắng. Riêng Thời xa vắng liên tiếp được vinh danh tại các Liên hoan phim Thượng Hải, Munich, Singapore, châu Á…
Và cùng thế hệ ấy còn phải nhắc đến hai anh em đạo diễn Tony Bùi với Ba mùa, từng giành cú ăn ba giải: khán giả (Audience Award), giám khảo (Grand Jury Prize) và quay phim (Cinematography Award) tại Liên hoan phim Sundance 1999; và nhiều giải thưởng danh giá khác. Đạo diễn Lưu Huỳnh cũng là cái tên có nhiều dấu ấn với hàng loạt phim được đánh giá cao như: Áo lụa Hà Đông, Huyền thoại bất tử, Lấy chồng người ta, hay gần nhất là Mẹ ơi! Bướm đây giành Bông sen Bạc và 2 giải Nữ chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2023. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu, Nước 2030, hay Khi yêu đừng quay đầu lại, thể hiện dấu ấn cá nhân đậm nét.
Thế hệ nối tiếp hiện nay với những cái tên như: Charlie Nguyễn (Dòng máu anh hùng, Để mai tính 2, Chàng vợ của em, Tèo em…); Victor Vũ (Người vợ cuối cùng, Mắt biếc, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh); Lê Văn Kiệt (Hai Phượng, Ngôi nhà trong hẻm, Bóng đèn); Ngô Thanh Vân (Tấm Cám: Chuyện chưa kể); Hàm Trần (Đoạt hồn, Siêu trộm, Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác); Dustin Nguyễn (798 Mười, Trúng số, Lửa phật); Leon Quang Lê (Song lang)… nhiều người thành công về doanh thu, người mang đến màu sắc điện ảnh Việt mới, giàu tính nghệ thuật.
Nhà phê bình Tuấn Lalarme nhận định, dấu ấn mạnh mẽ nhất của các nhà làm phim gốc Việt là truyền cảm hứng cho việc làm phim quy mô lớn, chuyên nghiệp hơn, có tính thị trường hơn. “Rồi sẽ đến lúc, chúng ta có một thế hệ đạo diễn tài năng, mang đến những tác phẩm điện ảnh hay so với mặt bằng chung của thế giới”, anh đặt niềm tin.
Lời hứa sẽ về Việt Nam để thực hiện một bộ phim về những người phụ nữ của đạo diễn Trần Anh Hùng, dự án quy mô lớn về “điệp viên hoàn hảo” Phạm Xuân Ẩn của Charlie Nguyễn, Quán kỳ nam, bộ phim thứ 2 của Leon Lê... là những tác phẩm của các đạo diễn Việt kiều nhận được nhiều kỳ vọng.
Trước khi rơi vào thời kỳ suy giảm, các hãng phim nhà nước tại TPHCM đã được tiếp lửa từ truyền thống điện ảnh Bưng biền. Được thành lập tại Tây Ninh (năm 1962), Hãng phim Giải phóng đã có hàng trăm bộ phim điện ảnh, video, phim tài liệu, hoạt hình… được sản xuất. Có thể kể đến: Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Tình đất Củ Chi, Hòn đất, Ván bài lật ngửa, Vị đắng tình yêu, Lương tâm bé bỏng, Vĩnh biệt mùa hè, Lưỡi dao, Ai xuôi vạn lý, Mê Thảo thời vang bóng, Gái nhảy, Long thành cầm giả ca, Mùi cỏ cháy... Sau năm 1975, Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu được thành lập cũng có nhiều tác phẩm tiêu biểu: Cơn lốc đen, Người học trò đất Gia Định xưa, Trái đắng, Tiếng gọi lúc mờ sáng, Ngọn cỏ gió đùa, Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người...
Tốp 10 phim của đạo diễn gốc Việt có doanh thu cao nhất
1. Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt): 200 tỷ đồng
2. Mắt biếc (Victor Vũ): 180 tỷ đồng
3. Để Mai tính 2 (Charlie Nguyễn): 101 tỷ đồng
4. Người vợ cuối cùng (Victor Vũ): 100 tỷ đồng
5. Chàng vợ của em (Charlie Nguyễn): 86 tỷ đồng
6. Quả tim máu (Victor Vũ): 85 tỷ đồng
7. Tèo em (Charlie Nguyễn): 80 tỷ đồng
8. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ): 78 tỷ đồng
9. Chị chị em em (Kathy Uyên): 71 tỷ đồng
10. Tấm Cám: Chuyện chưa kể (Ngô Thanh Vân): 70 tỷ đồng
Số liệu: BOX OFFICE VIETNAM