LTS: Ngay từ năm 1947, giữa Bưng biền Đồng Tháp Mười, một nền điện ảnh sơ khởi đã ra đời giữa bom đạn với những kỳ tích khó tin. Và ngày 15-3-1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147/SL quyết định đặt Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Hơn 75 năm đã qua, từ điện ảnh Bưng biền với những “chiến binh điện ảnh”, điện ảnh TPHCM hôm nay đã nối tiếp truyền thống sáng tạo, vượt khó để trở thành trung tâm điện ảnh của cả nước.
Những “chiến binh điện ảnh”
Nhà quay phim Hồ Tây cùng nhà quay phim Trương Thành Hỷ (quê Hóc Môn, TPHCM) là những nhân chứng sống hiếm hoi còn sót lại của điện ảnh Bưng biền. Người đã bước sang tuổi 92, người vừa tròn 100 tuổi hôm 9-3. Kỷ niệm về một thời làm phim cái gì cũng thiếu ấy với các ông luôn được gìn giữ cẩn thận, chỉ cần “chạm” vào là mọi thứ được lật mở ra như từng trang ký ức.
16 tuổi, Hồ Tây rời Trường Trung học kháng chiến Huỳnh Thúc Kháng (Vĩnh Long) và quyết định vào Đồng Tháp Mười tham gia Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8, trực thuộc Ban Tuyên truyền, Phòng Chính trị khu. Khi các ông Khương Mễ, Nguyễn Đảnh, Lý Cương… xuống quay phim chiến dịch Cầu Kè vào tháng 11-1949, ông có cơ hội làm quen. Chiến dịch kết thúc, ông xin theo làm phim chỉ vì “thấy thích và là lạ”. Còn nhà quay phim Trương Thành Hỷ (được gọi bằng cái tên thân mật Cố Hỷ) được cử về Khu 7 (cùng với Khu 8, 9 đều thuộc điện ảnh Bưng biền) để học lớp đào tạo nhiếp ảnh đầu tiên của Phòng Chính trị ban Tuyên huấn vào tháng 3-1947. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh dân quân, du kích cùng bộ đội rào làng chiến đấu, cảnh bộ đội sinh hoạt, chiến đấu.
Nhà quay phim Hồ Tây nhớ như in cảnh sống giữa Đồng Tháp Mười xung quanh chỉ toàn nước mặn, nước lợ và không có điện. Ông kể: “Muốn có đá để ngâm thuốc tráng phim phải ra tận chợ Cai Lậy. Mỗi ngày, ghe xuất phát vào buổi chiều ở kênh Dương Văn Dương, hừng sáng đến Cai Lậy, rồi nhờ những người dân địa phương đi mua đá để né tránh tai mắt địch. Có đá, ghe lại chèo suốt đêm mới về đến căn cứ”. Từng đó thời gian, 10 tảng đá lớn về đến nơi chỉ còn chừng 6 tảng.
Nhưng, ông Hồ Tây nhớ hơn cả là những ngày in, tráng phim trong buồng tối trên chính những chiếc ghe. Buồng tráng phim luôn chừa một miếng vách để ánh sáng có thể xuyên qua. Ngày dùng ánh sáng mặt trời, đêm dùng ánh đèn măng xông, lúc nào cũng phải có người canh gác. “Bà con cứ thắc mắc hoài: Tụi bây làm cái gì bên trong mà mang đèn măng xông ra ngoài để? Phòng tráng phim bên trong không quạt hay gió, ngộp muốn chết”, ông kể lại với nụ cười hóm hỉnh. Còn trong ký ức nhà quay phim Trương Thành Hỷ: “Hồi đó, ngày cầm máy ảnh, máy quay phim theo bộ đội, hay đi chiến dịch, đêm về phải vô hầm, buồng tối tự mình tráng phim. Làm phim trong rừng, để tráng được một cuộn phim thật lắm công phu, cực là thế nhưng bằng mọi cách phải làm cho được”.
Với ông Hồ Tây và ông Trương Thành Hỷ thì ông Khương Mễ chính là người thầy lớn đầu tiên, dạy các ông cách quay, in, tráng phim. Năm 1952, ông Hồ Tây vinh dự được cùng với ông Khương Mễ và nhà quay phim Lý Cương thực hiện bộ phim Một năm Philatop ở Việt Nam - bộ phim khoa học về bác sĩ, GS-TS Nguyễn Thiện Thành. Quá trình làm phim, các ông phải mang theo cả ghe chuyên dùng để in tráng phim. Không chỉ làm phim, các ông còn theo ông Khương Mễ và các đồng nghiệp tổ chức những đoàn chiếu phim lưu động cho bộ đội, người dân. Nhà quay phim Trương Thành Hỷ kể: “Những người quay phim như chúng tôi luôn ý thức phải gan dạ. Những lúc xông pha để có hình ảnh, chúng tôi không biết sợ chết là gì”.
Kiêu hãnh vươn xa
Sau Hiệp định Genève 1954, trong đoàn cán bộ tập kết ra Bắc có ông Hồ Tây và ông Trương Thành Hỷ. Ông Hồ Tây là người đi chuyến cuối cùng năm 1955, trong khi ông Trương Thành Hỷ đi chuyến đầu tiên. Ông Hồ Tây ở lại miền Bắc 10 năm (1955-1965), chứng kiến cuộc hợp nhất của tổ chức điện ảnh hai miền Nam - Bắc là Đồi Cọ và Rừng U Minh, tham gia làm phim ở nhiều vị trí khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp phía Bắc. Trong khi đó, ông Trương Thành Hỷ về Xưởng Cơ khí chiếu bóng Quân đội, Xưởng phim Quân đội trước khi được lựa chọn là một trong những hạt nhân đầu tiên của Xưởng phim Quân giải phóng, rồi giữ chức Giám đốc Xưởng phim Quân giải phóng Miền Nam.
Ông Trương Thành Hỷ trở vào Nam với hành trang là chiếc máy quay AK16 của Đức đầy đủ phụ kiện, 3.000m phim 16 ly, một máy ảnh 24x36. Tất cả nặng hơn trọng lượng hành trang trung bình mà lính bộ binh phải mang đến 15kg, chưa tính còn cả bao gạo 10 ngày ăn. Hành quân suốt 3 tháng trời ròng rã mới vào tới Chiến khu Đ. Khi được hỏi, số lượng phim đã quay, ông cho biết “không thể đếm được!”. Ông kể tiếp: “Phim của tôi cũng không thấy được vì đều là phim bí mật. Những cảnh quay bộ đội luyện tập, hành quân vào Nam, các chiến dịch quan trọng…, quay xong đều có người thu phim, bỏ vào hộp và gửi ra Hà Nội”.
Rồi cũng đến một ngày, những tác phẩm của các nhà làm phim điện ảnh Bưng biền không chỉ được chiếu trong nước, mà còn được vinh danh quốc tế. Ở tuổi 95, đạo diễn Xuân Phượng vẫn nhớ vẹn nguyên câu chuyện từ 27 năm về trước, khi cùng đạo diễn Khương Mễ đưa các bộ phim của điện ảnh Bưng biền ra thế giới. Sau năm 1954, bà Xuân Phượng có cơ hội gặp ông Khương Mễ, Hồ Tây, Mai Lộc, Nguyễn Đảnh… khi họ tập kết ra Bắc để xây dựng cơ sở và đào tạo nhân lực cho Điện ảnh Việt Nam, thành lập Hãng Phim truyện Việt Nam. Năm 1996, bà gặp đạo diễn Khương Mễ và đề xuất thực hiện phim tài liệu Những bước đầu của điện ảnh cách mạng Bưng biền. Khi phim hoàn tất, công chiếu, ai xem cũng kinh ngạc vì những năm 1947 mà đã làm được phim như thế.
“Tôi bàn với anh Khương Mễ, nếu chỉ được chiếu trong nước phí quá. Phải làm thế nào để giới thiệu ra nước ngoài, để mọi người thấy được trong điều kiện chiến đấu, không điện, không nước vẫn làm được phim”, bà Xuân Phượng kể. Thế rồi, qua những mối quan hệ, đạo diễn Xuân Phượng tìm mọi cách để ông Khương Mễ tham dự được Liên hoan phim tài liệu Amiens ở Pháp, để thế giới được chứng kiến sáng kiến “không có điện mà vẫn làm ra điện ảnh”. Chỉ tay vào bức ảnh đã hoen màu thời gian, bà Xuân Phượng nhớ như in chiếc áo dài gấm ông Khương Mễ mặc tại Liên hoan phim Amiens do chính tay bà chuẩn bị.
Điều đặc biệt hơn, bà đã chứng kiến ông Khương Mễ nước mắt lưng tròng. Người ta gọi ông là “Lumière của Đồng Tháp Mười Việt Nam”. Lumière tiếng Pháp nghĩa là ánh dương. Ông Khương Mễ đã nghẹn ngào nói: “Thật không thể ngờ lại có hôm nay”. Ngoài được tôn vinh giải thưởng cao quý nhất - Kỳ lân vàng, điều tự hào hơn là những thước phim về các trận Laban, Trà Vinh, La Ngà… đã bước ra thế giới một cách đầy kiêu hãnh, chiếu trên màn ảnh rộng và nhận được những sự tưởng thưởng xứng đáng. “Tiếng chuông về một nền điện ảnh cách mạng Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước ở một nơi hẻo lánh, đồng chua nước mặn, đã khoan thai, đĩnh đạc ngân rất xa”, đạo diễn Xuân Phượng nhớ lại.
Ngày 15-10-1947 theo quyết định của Bộ Tư lệnh Khu 8, tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 được thành lập tại ấp Tân Hòa, xã Nhân Hòa Lập, Mộc Hóa (tỉnh Long An) trực thuộc Ban Tuyên truyền, phòng Chính trị khu. Sau đó, đến điện ảnh Khu 9, Khu 7 lần lượt ra đời. Điện ảnh Bưng biền có tổng cộng hơn 20 nhà làm phim gồm: Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn, Lý Cương, Nguyễn Đảnh, Trương Thành Hỷ, Hồ Tây, Vũ Ba, Nguyễn Thế Đoàn, An Sơn... Những bộ phim gắn liền với điện ảnh cách mạng Bưng biền phải kể đến: Trận Mộc Hóa, Trận Laban, Binh công xưởng khu 8, Chiến dịch Trà Vinh - Cầu Kè, Hết đời đế quốc...