Điện ảnh sẽ tự “cởi trói”

Điện ảnh là một trong 3 lĩnh vực có khả năng và tiềm năng phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa cùng ca nhạc và du lịch. Tuy nhiên có nhiều vấn đề khiến việc thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa còn khó khăn, trong đó có vấn đề sản xuất và phát hành phim. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), đã chia sẻ với báo chí xung quanh mong muốn tháo gỡ “nút thắt” nhằm đem đến sinh khí mới cho bộ môn nghệ thuật thứ 7.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh
PHÓNG VIÊN: Một thời gian dài, phim “đặt hàng” được mặc định dành cho hãng phim nhà nước. Khoác cho phim đặt hàng chiếc áo chật, liệu có phải là một trong những nguyên nhân làm giảm sức lan tỏa của thể loại phim đặc thù này?

Ông VI KIẾN THÀNH: Quy định đấu thầu phim nhà nước từng được đưa ra, mà một trong những mục đích là tạo bình đẳng cho hãng phim nhà nước và tư nhân tiếp cận với dự án phim Nhà nước đặt hàng. Dù luật cũ không “đóng” với hãng phim tư nhân, tuy nhiên như một luật “bất thành văn”, nhiều năm qua, hầu hết những dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước được giao cho “nguyên” hãng phim nhà nước (đã được cổ phần hóa). Luật Điện ảnh mới sửa đổi không ưu ái mà tạo bình đẳng hoàn toàn giữa các hãng. Sắp tới sẽ không chỉ giao phim Nhà nước đặt hàng, mà chúng tôi cũng tính tới chuyện hợp tác với nhà sản xuất tư nhân. Hiện nay, mỗi năm Nhà nước cấp kinh phí tối đa cho 3 phim truyện điện ảnh (từ 10-15 tỷ đồng/phim). 

Điện ảnh là một tác phẩm nghệ thuật, mà với nghệ thuật thì khó có thể quy đổi thành những con số mang tính định lượng. Theo ông, việc đấu thầu làm phim có khả thi, có thực sự là cách để tạo được tác phẩm tốt? 

Ông VI KIẾN THÀNH: Theo Luật Điện ảnh năm 2006 và sửa đổi năm 2009, với phim đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước, còn gọi là “phim nhà nước”, nhà sản xuất phim được chọn theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này vẫn chưa thể áp dụng. Trong suốt nhiều năm, Cục Điện ảnh Bộ VH-TT-DL không thể hoàn thành nhiệm vụ soạn thảo thông tư hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim.

Khi bắt tay vào làm phim sẽ thấy đấu thầu trong điện ảnh vướng nhiều bất cập. Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung, không chỉ riêng trong điện ảnh, mà cứ căn cứ vào giá bỏ thầu, rồi chấm thầu cho đơn vị đưa giá rẻ nhất thì không được. Sáng tạo điện ảnh mà căn cứ vào giá thì rất khó kiểm soát. Không phải giá cao sẽ ra được những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật tốt, dù với giá rẻ, nguồn tài chính hạn hẹp thì rất khó có thể kiểm soát được chất lượng nghệ thuật. Không chỉ bình đẳng với các hãng tư nhân mà tiêu chí hàng đầu hướng tới sẽ là chất lượng nghệ thuật và mục tiêu phục vụ khán giả.

Phim đặt hàng dường như chỉ khu biệt ở một số đề tài lịch sử như chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, văn hóa dân tộc. Điều này liệu có phù hợp với thực tế xã hội đang phát triển rất nhanh và phải đối mặt rất nhiều vấn đề mới trong cuộc sống?

Ông VI KIẾN THÀNH: Đúng vậy. Luật Điện ảnh chỉ quy định Nhà nước đặt hàng phim có đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, văn hóa dân tộc, nên sau này muốn làm “phim nhà nước” thường thì các tác giả, các hãng chỉ nhắm tới triển khai từ khâu thẩm định đến sản xuất xem có phải thuộc 4 đề tài được nêu trong luật không. Nhưng nay, nhiều thứ đã thay đổi. Dẫn chứng là tại thời điểm này, mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng do dịch Covid-19, vậy để làm một bộ phim về đề tài chống dịch Covid-19 liệu có được không? Lâu nay ngành điện ảnh tự “trói mình” trong khuôn khổ hẹp như vậy và điều này dự kiến sẽ được thay đổi trong thời gian tới với việc sửa đổi là sẽ sản xuất phim theo đề tài Nhà nước yêu cầu trong từng thời kỳ.

Một trong những điểm yếu mà các nhà làm phim trong nước nhìn thấy là sự khan hiếm kịch bản tốt. Đã có một thời gian dài, việc remake (làm lại) từ kịch bản nước ngoài từng thành công và được cho là giải pháp tối ưu. Song đây có lẽ chỉ là giải pháp mang tính tình thế?

Ông VI KIẾN THÀNH: Điện ảnh cũng giống như sân khấu, phải đối mặt với vấn nạn khan hiếm kịch bản tốt. Sân khấu thì một kịch bản có thể chuyển thể và sử dụng ở nhiều loại hình sân khấu khác nhau, nhưng điện ảnh thì khó hơn. Việc mua kịch bản nước ngoài đã từng đem lại sinh khí mới cho điện ảnh trong nước, nhưng nếu không đặt nền móng cho điện ảnh bằng việc khích lệ, xây dựng một đội ngũ sáng tạo kịch bản thì sẽ tạo nên sự hụt hẫng trong mắt xích phát triển của điện ảnh.

Điện ảnh sẽ tự “cởi trói” ảnh 2 Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" làm theo hình thức Nhà nước góp vốn, tư nhân sản xuất
Để cải thiện tình trạng này, năm 2020, Cục Điện ảnh đã phát động cuộc thi viết kịch bản và nhận được nhiều tín hiệu tích cực khi xuất hiện nhiều cây bút trẻ. Họ trẻ không chỉ ở tuổi đời mà còn có những cởi mở trong cách viết, cách nghĩ… Năm nay, cục sẽ tổ chức cuộc thi kịch bản phim tài liệu với thời lượng 60 phút trở lên, kịch bản phim hoạt hình từ 90 phút trở lên. Thế giới đã có nhiều phim tài liệu, hoạt hình thời lượng dài, nhưng Việt Nam chỉ chủ yếu sản xuất phim tài liệu 20-30 phút. Phim hoạt hình cũng rất hạn hẹp về thời lượng, dẫn đến sự hạn hẹp về đề tài, chiều sâu khai thác và đối tượng hướng đến. Hai nội dung thi sáng tác kịch bản nói trên sẽ góp phần khắc phục những hạn chế đó…

Có nhiều ý kiến cho rằng các nhà làm phim không phải là không dám nghĩ khác, làm khác… mà nhiều người e ngại cái khác biệt sẽ khó được đón nhận, sẽ phải “vất vả” tại vòng thẩm định phát hành?

Ông VI KIẾN THÀNH: Sự e ngại này là có thật. Song áp lực đó không chỉ riêng của người làm phim mà ngay các thành viên của Hội đồng duyệt phim cũng đang phải gánh trên vai. Theo tôi, đây là giai đoạn điện ảnh cần có nhiều đồng thuận hơn để sáng tạo, để thử thách và trưởng thành thay vì luôn lo lắng “nhìn dọc, ngó ngang” e ngại những barem không có thực. Thành viên hội đồng sắp tới sẽ gồm những người làm nghề điện ảnh và được “trẻ hóa”.

Tin cùng chuyên mục