Drive My Car của đạo diễn Ryusuke Hamaguchi kể về một diễn viên và đạo diễn sân khấu, người vẫn chìm trong nỗi đau sau khi người vợ qua đời 2 năm trước. Ông nhận lời làm đạo diễn vở kịch Uncle Vanya của Anton Chekhov ở Hiroshima. Ở đó, vị đạo diễn kết bạn với một cô gái trẻ, người được giao nhiệm vụ làm tài xế lái chiếc Saab 900 màu đỏ yêu quý của ông. Dần dần, ông đã chữa lành vết thương lòng và sẵn sàng đối mặt với thực tại mới của cuộc đời mình.
Thành công quốc tế của Drive My Car chứng tỏ sự bứt phá của ngành công nghiệp điện ảnh mà hàng chục năm qua hầu hết các bộ phim chỉ dừng lại trong biên giới Nhật Bản. Theo nhà sản xuất truyền hình ở Tokyo, ông Tamaki Tsuda, bộ phim của đạo diễn Hamaguchi dựa trên truyện ngắn của nhà văn Haruki Murakami đã khắc họa “một Nhật Bản dễ chấp nhận và dễ hiểu đối với người nước ngoài”. Nội dung của phim có tính quốc tế khi nhân vật chính làm đạo diễn, làm việc tại rạp Chekhov với các diễn viên đến từ nhiều quốc gia nói các ngôn ngữ khác nhau. Ông Tsuda nói: “Phim chạm đến những cảm xúc mà mọi người đều có nhưng hiếm khi nói ra”. Trả lời phỏng vấn sau khi đoạt giải Oscar, đạo diễn Hamaguchi cho rằng chủ đề của bộ phim nói về mất mát và cách sống tiếp sau mất mát đã gây được tiếng vang với rất nhiều người. Bộ phim giới thiệu một Nhật Bản với các nhân vật sống trong sự cô lập của xã hội, cũng có thể đã tạo ấn tượng của phương Tây hiện tại về xã hội công nghiệp Nhật Bản. Cái hay của đạo diễn Hamaguchi là ông không làm phim trong hệ thống studio chính thống của Nhật Bản vì nơi đó các đạo diễn chịu sự chi phối của nhà tài trợ như các nhà sản xuất phim, công ty quảng cáo, mạng lưới truyền hình và thậm chí công ty mỹ phẩm. Điều đó thường tước đi sự độc lập về nghệ thuật của đạo diễn. Thay vào đó, ông tìm kiếm nguồn tài trợ độc lập từ các công ty sản xuất nhỏ.
Chị Jennifer Coates, giảng viên cấp cao về nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Sheffield (Anh), cho rằng phim phản ánh chân thật văn hóa Nhật Bản thời điểm hiện tại. Đó là xã hội quá tập trung vào công việc và đại dịch Covid-19 ập đến làm tăng thêm nỗi cô độc của không ít người trong xã hội, tạo nên hiện tượng sống ẩn dật cực độ được gọi là “hikikomori”. Chính điều này đã gây xúc động cho các nhà phê bình và khán giả bên ngoài Nhật Bản. Điều đáng ngạc nhiên là phim Drive My Car không đạt doanh thu cao trong nước, chỉ thu về 889 triệu yen (hơn 7 triệu USD) tiền vé từ khi phát hành vào tháng 8-2021.
Khán giả Nhật Bản trong năm 2021 đã chi khoảng 162 tỷ yen (1,3 tỷ USD) mua vé đến rạp phim, trong đó gần 80% vé xem các phim sản xuất tại Nhật Bản. Các học giả điện ảnh cho biết, nhiều bộ phim sản xuất trong nước có rất ít cơ hội tìm được khán giả quốc tế, một phần vì có chất lượng không cao. Theo ông Tsuda, thành công với giải Oscar của Drive My Car có thể sẽ thúc đẩy nhiều nhà làm phim Nhật Bản xem xét nghiêm túc hơn về chất lượng phim để tìm đến khán giả quốc tế. Đặc biệt, với sự phát triển của nhiều dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Amazon..., các bộ phim và chương trình truyền hình Nhật Bản sẽ được truyền trực tuyến trên khắp thế giới dễ dàng hơn.